Chợ truyền thống thời công nghệ ở Phú Yên

NDO - Chiều nay (20/10), tỉnh Phú Yên tổ chức Hội thảo “Chợ truyền thống thời công nghệ”. Đây là một trong các hoạt động nhằm tiếp tục đưa chuyển đổi số vào thực chất, thiết thực, gắn với sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo "Chợ truyền thống thời công nghệ" ở Phú Yên.
Quang cảnh hội thảo "Chợ truyền thống thời công nghệ" ở Phú Yên.

Đây cũng là cơ hội để các Ban quản lý chợ truyền thống, tiểu thương, người dân nói lên những trăn trở, tồn tại, vướng mắc khi chuyển sang mô hình mới, mà trước hết là thanh toán không dùng tiền mặt.

Chủ trì hội thảo, đồng chí Trần Hữu Thế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên, cho biết: Ngày 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Thực hiện Quyết định trên của Thủ tướng, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 3/10/2022 về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Yên với nhiều giải pháp cụ thể.

Phú Yên có 130 chợ được xếp hạng năm 2020. Trong đó, 1 chợ hạng I; 7 chợ hạng II và 122 chợ hạng III. Hệ thống chợ cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của nhân dân, tạo kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Trung bình một chợ ở Phú Yên phục vụ khoảng 6.379 người.

Trên địa bàn tỉnh có 3 nhà cung cấp dịch vụ Mobi Money là VNPT, Viettel và MobiFone. Cả ba nhà cung cấp dịch vụ đều đã ký kết hợp tác với địa phương về Chuyển đổi số. Mobile Money là một loại tiền gắn với tài khoản di động của các thuê bao VinaPhone, Viettel và Mobifone, cho phép khách hàng có thể nạp, rút, thanh toán, chuyển tiền ngay trên điện thoại di động.

Hiện 100% Ủy ban nhân dân xã có kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 62,45%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng 76%. Đây là cơ sở quan trọng để Phú Yên có thể đạt thứ hạng chuyển đổi số vào nhóm trung bình trong cả nước trong tương lai nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Đặc biệt, sự chuyển biến chuyển đổi số tích cực tại các chợ truyền thống đã tạo sự tiện lợi, nhanh chóng, hiệu quả vào công việc hằng ngày của người dân

“Những kết quả bước đầu trong thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Phú Yên thời gian qua chính là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội; đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và sự ủng hộ, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh với mong muốn bắt kịp xu thế và nắm bắt, tận dụng thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Để trong tương lai không xa, Phú Yên trở thành địa phương thuộc nhóm trung bình khá trong cả nước về chuyển đổi số; chúng ta cần chuyển đổi số những việc hằng ngày, gắn với dân, có lợi, thiết thực cho người dân mà không tiêu tốn quá nhiều nguồn lực…", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế nói.