Tìm giải pháp xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch Covid-19

NDO -

Sau bốn năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Diện mạo bộ mặt ngành Ngân hàng đã sáng lên rất nhiều, khi tỷ lệ nợ xấu toàn ngành giảm dưới 3%. Nhưng với những tác động từ đại dịch Covid-19, “bóng ma” nợ xấu đang ám ảnh quay trở lại.

Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Ám ảnh “bóng ma” nợ xấu

Có thể nói, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu. Từ cuối năm 2018 đến ngày 30-4, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được khoảng 500 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, lũy kế từ ngày 15-8-2017 đến 30-4-2021, hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, đạt trung bình khoảng 8 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 (giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực).

Kết quả đạt được là rất tích cực nhưng khó khăn, vướng mắc vẫn còn, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ xấu của các TCTD. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cao trở lại. Nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.

Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 -0
Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn phát biểu khai mạc tọa đàm.

Trong bối cảnh này, sáng 23-6, Báo Tiền phong phối hợp Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Tọa đàm:  “Nợ xấu trong dịch Covid-19: Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp”.

Theo ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, với cơn bão Covid-19 lần thứ tư này, cho thấy "virus nợ xấu" đã hoàn tất việc “thâm nhập” vào cơ thể doanh nghiệp, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng.

“Cuộc chiến chống Covid-19 xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy vấn đề nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung”, ông Lê Xuân Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: Diễn biến dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam phức tạp trở lại trong vài tháng gần đây, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đây cũng là đối tượng khách hàng của ngân hàng, khi thu nhập của họ giảm, khả năng trả nợ ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 -0
Tổng Giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng. 

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới mọi hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, nên VAMC cũng không tránh khỏi những tác động, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC vẫn cố gắng tiếp tục tập trung xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Theo đó, năm 2020, VAMC đã triển khai mua 281 khoản nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt với 15.218 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng, đạt gần 100% kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao. Lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31-12-2020, cơ quan này đã thực hiện mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt đạt 374.622 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng.

Cần luật hóa xử lý nợ xấu

Theo Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro Ngân hàng Techcombank Nguyễn Thu Lan, Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết "cục máu đông" tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013. Riêng tại Techcombank, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, hơn 70% các khoản nợ xấu được xử lý thông qua áp dụng Nghị quyết 42. “Ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ tháng 2-2020 tới nay đã khiến ngân hàng phải thay đổi nhiều chính sách để phù hợp.

Về khách hàng Techcombank có hai chính sách: Với các khách hàng bị ảnh hưởng thu nhập do Covid-19, ngân hàng hỗ trợ tối đa qua các giải pháp miễn giảm lãi, tái cơ cấu nợ, giãn nợ. Với các khách hàng thật sự không có khả năng trả nợ, trây ì, tồn đọng đã lâu năm ngân hàng tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 để xử lý tài sản thu hồi nợ. Quá trình xử lý nợ tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn của địa phương và chính phủ về phòng, chống dịch”, bà Nguyễn Thu Lan cho biết thêm.

Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 -0
Giám đốc cao cấp quản trị rủi ro Ngân hàng Techcombank Nguyễn Thu Lan chia sẻ tại tọa đàm. 

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB Nguyễn Huy Tài cũng nhìn nhận, Nghị quyết 42 như "làn gió mạnh” thổi vào quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD. Đồng hành cùng Nghị quyết 42 trong thời gian qua, SHB đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, cụ thể như: Nâng cao hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu nhưng luôn tuân thủ nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội; ưu tiên áp dụng các giải pháp thu nợ thông qua thuyết phục, động viên khách hàng hợp tác trả nợ/tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm để SHB chủ động xử lý; đối với các khách hàng không hợp tác, phân tách tài sản thành các lớp để xử lý, hạn chế tối đa các tác động bất ổn cho trật tự xã hội trong triển khai hoạt động thu giữ tài sản bảo đảm.

“Đối với các khách hàng có nguồn trả nợ nhưng bị quá hạn do dòng tiền của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, SHB xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng”, ông Nguyễn Huy Tài nêu rõ.

Đồng tình với các ý kiến nêu trên, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng nhận định, Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết “cục máu đông” tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính 2011-2013. Việc có thể xử lý được tài sản để thu hồi nợ theo Nghị quyết 42 không chỉ giúp ngân hàng thu hồi nợ xấu, mà còn có tác động rất tích cực tới các khách hàng vay vốn của ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất đến 1-3%. Như vậy 97- 99% các khách hàng vay vốn là khách hàng tốt. Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều.

Nhưng dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42. Theo đó, sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán, dẫn đến quá trình thực thi Nghị quyết gặp không ít khó khăn. Còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm đơn cử như liên quan đến việc mua, bán, sang tên tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai… Khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khản nợ và tài sản bảo đảm.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua - bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.  

Thực tế chứng minh Nghị quyết 42 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15-8-2017). Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Hơn nữa, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao.

Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn một năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Do vậy theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, việc luật hóa xử lý nợ xấu cũng là tăng hiệu lực, hiệu quả của công tác thể chế, một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được Đại hội Đảng XIII lựa chọn, thông qua.