Tìm giải pháp xóa nhà siêu mỏng, siêu méo

Cùng với quá trình giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án mở rộng tuyến phố mới trên địa bàn cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, tình trạng hàng loạt các công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” xuất hiện gây mất mỹ quan, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch chung đô thị. Thực trạng này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng.
0:00 / 0:00
0:00
Công trình nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” tại ngõ 102 đường Trường Chinh (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) gây mất mỹ quan đô thị. (Ảnh SƠN TÙNG)
Công trình nhà ở “siêu mỏng, siêu méo” tại ngõ 102 đường Trường Chinh (phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) gây mất mỹ quan đô thị. (Ảnh SƠN TÙNG)

Dọc các tuyến đường đã được mở rộng như: Phạm Văn Đồng (đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt đến công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm); Trường Chinh-Minh Khai (thuộc 2 quận Thanh Xuân và Hai Bà Trưng); Vũ Trọng Phụng (quậnThanh Xuân)… xuất hiện không ít những ngôi nhà siêu mỏng. Thực tế, phần lớn nhà “siêu mỏng, siêu méo” còn lại sau khi hoàn thành quá trình giải phóng mặt bằng, diện tích chỉ từ vài mét vuông, cho đến dưới 30 m2.

Không khó để nhận thấy, cảnh tượng nhếch nhác của những căn nhà “siêu mỏng, siêu méo” chắp vá hai bên đường với đầy đủ hình dạng. Nhiều phần đất sau khi bị thu hồi chỉ còn sâu 0,5m, nhưng có mặt tiền dài; hoặc mảnh đất có hình tam giác 3 cạnh với chiều sâu 2m, nơi nông nhất chỉ 30cm, được các chủ đất xây dựng lên, tạo thành nhà siêu mỏng, siêu méo.

Tìm giải pháp xóa nhà siêu mỏng, siêu méo ảnh 1

Ông Trần Văn Huấn, 65 tuổi ở phố Đại La, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Từ khi triển khai mở rộng tuyến đường, người dân chúng tôi phấn khởi vì không còn nỗi khổ tắc đường. Tuy nhiên, từ sau khi giải phóng mặt bằng tình trạng những ngôi nhà dạng này lại xuất hiện, xây dựng nhanh chóng. Tương tự, trên đường Trường Chinh, sau giải phóng mặt bằng, có căn nhà chỉ còn lại khoảng đất hình tam giác nhọn, được sửa sang, chắp vá tạm bợ. Tình trạng này khiến các con đường, tuyến phố trở nên xấu xí, quy hoạch chung đô thị bị phá vỡ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng nêu trên tại Hà Nội đã trở thành vấn đề đáng lo ngại từ gần 30 năm nay.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, tình trạng nêu trên tại Hà Nội đã trở thành vấn đề đáng lo ngại từ gần 30 năm nay. Nguyên nhân chính là do việc phối hợp chưa đồng bộ và kịp thời giữa các cơ quan chức năng trong việc lập dự án mở rộng đường. Việc không có phương án xử lý cho các ô đất không đủ điều kiện xây dựng dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá trị đất trước và sau khi mở đường, gây khó khăn trong việc thỏa thuận hợp thửa giữa các hộ dân.

Nhằm hạn chế tình trạng này, những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn, thậm chí giao trách nhiệm cho người đứng đầu đối với UBND cấp quận, huyện về việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, nhất là không để phát sinh thêm những căn nhà như thế. Cụ thể, năm 2016, Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, trong đó nêu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND thành phố về tình trạng tồn tại hoặc phát sinh thêm các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo trên các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý.

Năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND, trong đó yêu cầu UBND các quận, huyện… kiên quyết không để phát sinh loại nhà này ở hai bên đường, nhất là đối với tuyến phố mới, các dự án mở đường... Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 61/2024/QĐ-UBND ngày 27/9/2024 quy định rõ việc xử lý các trường hợp đất ở không đủ điều kiện tồn tại khi Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và mục đích quốc phòng, an ninh.

Theo quyết định này, nếu người sử dụng đất có giấy tờ hợp pháp, UBND cấp huyện sẽ hướng dẫn hợp thửa đất với các mảnh đất lân cận hoặc thực hiện việc chuyển nhượng. Đối với trường hợp chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng đủ điều kiện cấp, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ người dân hoàn thành thủ tục. Thời gian hoàn thành việc hợp thửa đất là 180 ngày cho đất phi nông nghiệp và 90 ngày cho đất nông nghiệp, tính từ thời điểm có thông báo thu hồi đất. Nếu quá trình hợp thửa không thực hiện được, UBND cấp huyện sẽ quyết định thu hồi đất và bồi thường theo quy định. Những thửa đất không đủ điều kiện tồn tại sẽ bị thu hồi để bảo đảm việc sử dụng đất hiệu quả, phù hợp quy hoạch và mang lại lợi ích cho cộng đồng…

Cùng với những giải pháp và việc xây dựng chế tài đủ mạnh của thành phố Hà Nội, các ban, ngành chức năng cần quan tâm, thực hiện quyết liệt việc gắn quá trình lập, phê duyệt quy hoạch dự án song song với quy hoạch chi tiết, cụ thể thiết kế đô thị. Ngoài ra, cần quy trách nhiệm cụ thể, xử lý kiên quyết đối với từng cơ quan, đơn vị nếu tiếp tục để những hành vi như trên tiếp tục tái diễn.