Xử lý dứt điểm tình trạng xây nhà siêu mỏng, siêu méo

Thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố xuất hiện hàng loạt căn nhà siêu mỏng, siêu méo, có diện tích rất nhỏ, thậm chí có những căn chỉ vỏn vẹn vài mét vuông. Những căn nhà này tạo ra cảnh tượng nhếch nhác tại các khu dân cư, thiếu mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, vì vậy rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng nêu trên.
0:00 / 0:00
0:00
Một căn nhà siêu mỏng được xây dựng tại quận Đống Đa (Hà Nội). (Ảnh ĐOÀN PHONG)
Một căn nhà siêu mỏng được xây dựng tại quận Đống Đa (Hà Nội). (Ảnh ĐOÀN PHONG)

Từ lâu, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo không còn xa lạ với người dân tại các khu đô thị. Tại Hà Nội, tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện ở nhiều quận, huyện, nhất là trong các khu vực nội thành như Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa… Ở phường Phương Mai, quận Đống Đa, khi cơ quan chức năng giải phóng mặt bằng để xây dựng mở rộng đường Lương Định Của ra đường Trường Chinh thì một số hộ dân nằm trong ngõ 102 đường Trường Chinh đã xây dựng một số ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, cao từ hai đến ba tầng trên phần đất lưu không giữa các dãy nhà.

Một người dân sống tại ngõ 102 đường Trường Chinh cho biết: “Từ khi triển khai mở rộng tuyến đường Lương Định Của ra Trường Chinh, các hộ dân rất phấn khởi vì diện mạo khu phố sẽ thay đổi, đường rộng hơn, thoáng hơn. Tuy nhiên, đường chưa làm xong thì các ngôi nhà hình thù xấu xí lại được một số người cố tình xây lên. Nhiều căn xây bịt luôn cửa sổ và chèn lên cống thoát nước của nhà hàng xóm. Chúng tôi chỉ mong những ngôi nhà xây dựng trái phép như vậy sớm bị chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, trả lại không gian cho đô thị”.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Phương Mai Phùng Anh Minh, việc các hộ dân tự ý xây dựng các căn nhà siêu mỏng, siêu méo trong ngõ 102 Trường Chinh, chính quyền địa phương đã nắm được và đang có phương án xử lý dứt điểm. “Những người xây nhà trái phép đã bị UBND quận xử phạt hành chính. Hiện, chính quyền địa phương cũng đang có phương án tiến hành cưỡng chế những căn nhà siêu mỏng, siêu méo này và cố gắng hoàn thành trong tháng 9/2022 để trả lại mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện thi công tuyến đường”, ông Minh cho biết thêm.

Trước việc nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên ngày càng nhiều, cơ quan chức năng các địa phương đã có nhiều phương án xử lý. Theo thông tin từ Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, hiện tại, toàn thành phố còn 130 trường hợp công trình xây dựng là nhà siêu mỏng, siêu méo phát sinh từ trước năm 2019 nhưng chưa thể xử lý dứt điểm. Đây là các trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện xây dựng sau giải phóng mặt bằng.

Hiện cơ sở pháp lý để giải quyết trường hợp nhà, đất không đủ mặt bằng xây dựng cơ bản đã đầy đủ, Sở Xây dựng đã ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn UBND các quận, huyện xử lý dứt điểm những trường hợp nêu trên. Sở cũng đã có công văn gửi UBND các quận, huyện cần khẩn trương xử lý trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo tồn đọng, có báo cáo cụ thể phương án, tiến độ, kết quả giải quyết và khó khăn, vướng mắc, gửi về Sở Xây dựng thành phố Hà Nội để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Tại TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã có quyết định phê duyệt đề án quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn, trong đó có việc tiến đến xóa bỏ những căn nhà siêu nhỏ, siêu mỏng. Theo đó, thành phố sẽ thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để thực hiện tái định cư tại chỗ cho những người bị thu hồi đất, cả người có đất trong phạm vi hạ tầng và người có đất kề bên hạ tầng…

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Anh (Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng ANG Việt Nam) cho biết, cụm từ “nhà siêu mỏng, siêu méo” thường để chỉ các công trình có diện tích nhỏ, hẹp, hình thù không phù hợp gây mất mỹ quan đô thị. Rất nhiều công trình kiểu này xuất hiện sau mỗi dự án mở đường giao thông, khi giải phóng mặt bằng, diện tích đất ít ỏi còn lại có khi chỉ vài mét vuông được người dân xây nhà, thậm chí xây cao tầng, tạo nên những căn nhà rất mỏng, có hình thù xấu xí. Ngoài ra, những ngôi nhà được xây dựng kiểu như thế cũng có thể gây mất an toàn bởi không theo quy chuẩn xây dựng. Thực tế, nhiều gia đình để “che mắt” chính quyền địa phương đã lén lút xây dựng vào những thời điểm như trời tối, thi công vội vàng, cẩu thả,... gây nguy hiểm đối với không chỉ những người trực tiếp tham gia xây dựng mà còn những người sống chung quanh.

Theo một số luật sư và chuyên gia bất động sản, sở dĩ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo tại các thành phố lớn là bởi rất khó để hợp thửa, hợp khối các diện tích đất quá nhỏ còn lại sau giải phóng mặt bằng. Không ít gia đình muốn giữ lại phần đất nhỏ sau khi bị cắt xén để kinh doanh, nhất là khi mảnh đất đó được ra mặt đường. Cũng có nhiều trường hợp không muốn hợp thửa, hợp khối vì không đủ điều kiện tài chính để mua lại mảnh đất còn lại của hộ liền kề do giá đất lúc đấy đã tăng cao.

Vì vậy, để giải quyết tình trạng nêu trên, cơ quan chức năng cần tính toán ngay cách xử lý từ khi lập phương án mở đường đối với các khu đất quá nhỏ, méo mó. Những mảnh đất đó cần được thu hồi cho mục đích công cộng. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn, không để xảy ra “việc đã rồi”, hoặc “phạt cho tồn tại” đồng thời tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc bảo đảm cảnh quan đô thị.