Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua sàn thương mại điện tử

Ngày 28/3, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh), trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025 đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Ứng dụng AI cho doanh nghiệp & thương mại điện tử xuyên biên giới dành cho hàng nông sản”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh một góc buổi tọa đàm.
Quang cảnh một góc buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, hiệp hội kinh tế, đại diện các doanh nghiệp và nông dân đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận và đề xuất những giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nông sản Việt Nam ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã được cấp các chứng nhận quốc tế như: VietGAP, GlobalGAP, Halal, mã vùng trồng... Các doanh nghiệp và nông dân Việt Nam đang ngày càng chú trọng đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Việt Nam đang nỗ lực xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia nhằm nâng cao giá trị và uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Với sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử, nông sản Việt Nam có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới. Dự báo, năm 2025, ngành nông nghiệp nước ta còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản có thể đạt từ 64 tỷ USD trở lên (năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta đạt 62,5 tỷ USD).

Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua sàn thương mại điện tử ảnh 2

Ông Nguyễn Văn Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế nông sản Việt Nam, chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hà, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại quốc tế nông sản Việt Nam (VAT Coporation), cho biết: Hiện nay, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường hàng nông sản tập trung vào các yếu tố chính như: Chuỗi cung ứng bền vững, nguồn thu mua trực tiếp từ nông dân; việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước lẫn thị trường quốc tế; hệ thống đối tác và khách hàng quốc tế mạnh mẽ.

Nhằm góp phần giúp sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng vươn xa hơn, Công ty cổ phần Thương mại quốc tế nông sản Việt Nam sẽ xúc tiến hợp tác với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững; giúp nông dân đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP…

Đồng thời, sàn thương mại điện tử sẽ hỗ trợ bao tiêu nông sản nhằm giảm rủi ro giá cả và đầu ra cho nông dân. Công ty cổ phần Thương mại quốc tế nông sản Việt Nam cũng sẽ kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm đối tác mua hàng, ký hợp đồng dài hạn và mở rộng hệ thống phân phối, xuất khẩu tại các thị trường lớn như: Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông.

Tìm giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua sàn thương mại điện tử ảnh 3

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Tổng Giám đốc sàn thương mại điện tử Felix.store, chia sẻ ý kiến tại tọa đàm.

Ở góc độ khác, ông Lê Thanh Liêm, Phó Tổng Giám đốc sàn thương mại điện tử Felix.store, cho biết: Felix.store là sàn thương mại điện tử thuần Việt, đã “phủ sóng” tại 48/63 tỉnh và thành phố của cả nước; ký hợp tác với Hội Nông dân của gần 30 tỉnh và thành phố ở khu vực phía nam, nhằm hỗ trợ nông dân triển khai hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi sang mô hình kinh doanh trực tuyến.

Felix.store vận hành theo mô hình B2B (doanh nghiệp tương tác với doanh nghiệp) đã tạo cầu nối cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu được sang các nước như: Trung Quốc, Mỹ, Australia, Canada….

Đặc biệt, Felix.store hỗ trợ đến 10 ngôn ngữ thông dụng (Việt Nam, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga, Thái Lan, Đức, Pháp) và thanh toán bằng VNĐ hoặc USD, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, Felix.store cũng hỗ trợ cho bà con nông dân, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông sản được tiếp cận các nguồn nguyên liệu sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…).

Còn theo ông Lê Quốc Khôi (chuyên gia AI, Công ty công nghệ Engma), để gia tăng lợi thế cạnh tranh khi kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, nông dân và doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Việc ứng dụng AI (thông qua các công cụ phổ biến như: Chatbot, Chat GPT…) sẽ giúp nông dân và doanh nghiệp xác định kênh phân phối lẫn quyết định giá bán; tự động hóa và tối ưu hóa công tác quản lý, vận hành sản xuất, hoạt động chăm sóc khách hàng…