Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030

NDO - Ngày 23/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập báo Người Lao Động cho biết, Việt Nam có một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhờ kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến. Văn hóa từ lâu đã trở thành sức mạnh mềm của dân tộc, làm rạng danh tên tuổi và vị thế con người Việt Nam anh hùng, hòa hiếu; tô đẹp thêm cho danh xưng Việt Nam, hồn hậu mà hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.

Để biến sức mạnh mềm vô biên đó thành nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.

Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 ảnh 1

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy phát biểu tại buổi tọa đàm.

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nếu như năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp chỉ 2,68% GDP thì năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Giai đoạn 2018-2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng, tương ứng 44 tỷ USD.

Tuy nhiên, so với nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và thế giới, công nghiệp văn hóa Việt Nam hiện nay mới phát triển ở tầm trung, lực cản còn lớn, phải tập trung tháo gỡ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta, từ các vấn đề từ công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đến đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ và giao lưu, hợp tác quốc tế đến đẩy mạnh truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư tài chính để xây dựng những sản phẩm, dịch vụ đỉnh cao…

Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 ảnh 2

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Hoàng Triều)

Thành phố Hồ Chí Minh xác định xây dựng yếu tố thương hiệu cho thành phố về văn hóa phải là công việc của cả thành phố, chính quyền và các ban ngành cùng với doanh nghiệp. Cái bắt tay đó phải thật chặt, hiệu quả để những sản phẩm văn hóa thật sự bền vững

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 tập trung thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của 8 ngành, trong đó điện ảnh là một trong những ngành được thành phố xác định là thế mạnh.

Bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng thành phố cần có cơ chế riêng về chính sách bảo hộ điện ảnh để phát triển hoạt động sản xuất phim Việt Nam như, ưu tiên cho việc chiếu phim Việt Nam; thu thuế ở mức thấp đối với phim Việt Nam, ngân hàng dành lãi suất ưu đãi cho những nhà làm phim trong nước vay vốn…

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các cơ chế chính sách để doanh nghiệp phát triển thuận lợi, nhà nước cần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ trên lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh…

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã đưa ra 10 giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Thành phố tập trung bổ sung vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp văn hóa, trong đó có các dịch vụ văn hóa như phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu biễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa. Thành phố sẽ thực hiện công tác quy hoạch, tạo môi trường thuận lợi, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa.

Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 ảnh 3

Một cảnh trong chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện tại Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần 1, năm 2023.

Nghị quyết số 98 về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đã tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế thành phố, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có để vượt lên, bứt phá và phát triển.

“Đây là một trong những cơ chế để thành phố tháo gỡ trên lĩnh vực này. Sắp tới, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng các dự án văn hóa và thể thao”, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ thêm.