Tìm giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam

NDO - Ngày 28/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng (TFGI-Singapore) tổ chức Hội thảo Phát triển kinh tế số và hoàn thiện chính sách về công nghệ: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, trao đổi về xu hướng phát triển chính sách và hành lang pháp lý thúc đẩy công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam; đồng thời nhận diện thách thức, rào cản chính sách tác động tới phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát biểu khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM nhấn mạnh, chuyển đổi số là động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm tạo sự bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, kinh tế số đã có những bước phát triển và được xem là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước. Hiện nay, Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi cần thiết tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế số như thực hiện sửa đổi, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các ngành, trong đó có những ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh mới như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thực hiện cải cách thể chế để thu hút đầu tư cho các công nghệ số, hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư nguồn lực cho thi hành pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cải cách nền hành chính theo hướng số hoá và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với những cấu phần đã đi vào vận hành như: cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đăng ký doanh nghiệp…

Đáng lưu ý, Chính phủ cũng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tạo lập khuôn khổ pháp lý để triển khai các cơ chế thí điểm, thử nghiệm và cơ chế đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Có thể nói, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ quyết tâm, định hướng và nỗ lực hành động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, hoàn thiện và tạo lập khung khổ pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ. Tuy nhiên, các hành động triển khai, hiện thực hóa bằng các chính sách cụ thể, các cơ chế thí điểm thực hiện còn chậm, chưa theo kịp sự phát triển và nhu cầu của thực tiễn”, bà Nguyễn Minh Thảo nói.

Chia sẻ kết quả nghiên cứu về giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á, ông Keith Detros, Giám đốc chương trình, Viện Nghiên cứu công nghệ vì cộng đồng nêu bật những điểm chung của chính sách phát triển công nghệ giữa các quốc gia. Đó là duy trì cạnh tranh nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân để tạo dựng niềm tin và tăng cường an ninh mạng. Tuy nhiên, chính sách phát triển công nghệ rất khác nhau giữa các quốc gia.

Các xu hướng chủ yếu mà Chính phủ ở 6 quốc gia Đông Nam Á (SEA-6) ban hành quy định để phù hợp bối cảnh thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số có các nội dung chủ yếu: vai trò ngày càng tăng của các cơ quan quản lý; các cơ quan chuyên trách được thành lập với những nhiệm vụ mới; yêu cầu phối hợp ngày càng tăng giữa các cơ quan và đổi mới các phương pháp tiếp cận chính sách.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận các nội dung về sáng kiến đổi mới thể chế, chính sách thời gian qua và dự kiến tới; vai trò của các cơ quan xây dựng và thực thi chính sách; vai trò của các bên liên quan; lĩnh vực nào có triển vọng hợp tác trong khu vực Đông Nam Á; các chủ thể nào trong nền kinh tế có vai trò trong quá trình thúc đẩy hoàn thiện thể chế hướng tới phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo….

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy phát triển kinh tế số và hoàn thiện thể chế về công nghệ, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ thông qua các kênh “mềm” giúp tăng cường hiệu quả quản trị số bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ hội phối hợp, liên kết và hợp tác.