Từ năm 2003, cây mắc ca đã được Công ty cổ phần giống lâm nghiệp Đông Bắc đưa vào trồng khảo nghiệm tại Lạng Sơn với số lượng nhỏ lẻ. Từ đó đến nay, một số công ty, doanh nghiệp hộ gia đình đã trồng cây mắc ca, với tổng diện tích hơn 486 ha; năng suất bình quân đạt khoảng 3,4 tấn quả tươi/ha/năm... Cây mắc ca mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc trong tỉnh...
Tại hội thảo các tham luận của đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ thực trạng và tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh; chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc chọn giống và kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca; thu hoạch chế biến và tiêu thụ hạt mắc ca; liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm; chính sách thu hút dự án đầu tư trồng, chế biến, kinh doanh mắc ca; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị...
Hội thảo cũng thống nhất đề xuất trong thời gian tới sẽ đánh giá một cách toàn diện về thực trạng và phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh; tiếp tục khảo sát, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển cây mắc ca; triển khai các giải pháp phát triển, định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh cho phù hợp. Khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trên địa bàn cần cân nhắc kỹ lưỡng trong việc phát triển cây mắc ca khi chưa có phân tích sự phù hợp về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng cũng như thị trường tiêu thụ... Hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trồng các dòng mắc ca có năng suất, chất lượng cao. Trong đó chỉ trồng cây giống được nhân bằng phương pháp vô tính (cấy ghép) không trồng cây giống thực sinh và các cây giống chưa được công nhận...