Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

NDO - Chiều 28/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ phối hợp Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) và Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ Hội thảo với chủ đề “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự của gần 200 khách mời là lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ; các hiệp hội doanh nghiệp; chuyên gia trong và ngoài nước...

Tại Hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp đã trình bày những bất cập, khó khăn, thách thức của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước khi phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Các đại biểu đã cùng thảo luận về thực tế, vấn đề liên kết, hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Qua đó, đề xuất nhiều giải pháp, chính sách để giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tham gia nhanh, sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như thúc đẩy xây dựng và phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ hơn.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành Luật Phát triển công nghiệp để Việt Nam sớm phát triển được nền công nghiệp vững mạnh, tiệm cận được trình độ công nghiệp thế giới.

Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết, Thành phố đã xác định công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển.

Chính vì vậy, từ Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X đến nay, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai rất nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, như: Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố trực thuộc Sở Công thương.

Các giải pháp cụ thể khác như: Xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố; tổ chức kết nối cung-cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

Các giải pháp trên đã góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp thành phố nói chung, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hiệu quả chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Hội thảo sẽ là tiền đề, cơ sở dữ liệu để thành phố tổ chức Hội thảo “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050” (dự kiến tổ chức vào tháng 4/2023) và là bước chuẩn bị để xây dựng Đề án khoa học “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050”, nhằm tích hợp vào quy hoạch chung của Thành phố.

Dịp này, Sở Công thương thành phố và các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến việc Việt Nam xây dựng nền công nghiệp tự chủ.

Theo đó, Sở Công thương các tỉnh, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức Hội nghị liên kết vùng trong định hướng phát triển công nghiệp theo lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu; phối hợp nghiên cứu, góp ý, đề xuất xây dựng Luật Công nghiệp; phối hợp, liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.