Tìm giải pháp giúp người dân duy trì sản xuất

Từ đầu năm nay, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận không có nước sản xuất, thậm chí nhiều vùng không có nước sinh hoạt. Thực trạng đó đang cần những giải pháp quyết liệt từ chính quyền và các đơn vị chức năng để giúp người dân ổn định cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Kiểm tra nguồn nước tại đập dâng xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Kiểm tra nguồn nước tại đập dâng xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo Ðài khí tượng thủy văn tỉnh Bình Thuận, nắng nóng trong thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 5 với nền nhiệt độ phổ biến cao, từ 35 đến 370C. Thời điểm này, tỉnh ít có khả năng xảy ra mưa lớn cho nên tình hình khô hạn, thiếu nước ở một số khu vực chưa có nguồn cung cấp nước từ các hồ đập, gây ra thiếu hụt nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.

Đất khô cằn, đập cạn khô

Men theo con đường đến đập của xã Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam), hai bên đường đi qua thôn 3, cây cối chung quanh chết khô, những cây còn vài lá chủ yếu là cây chịu hạn tốt. Nhiều ao, đường kênh thủy lợi không còn giọt nước, trơ trọi những viên đá. Những vườn cây thanh long cũng chết khô. Chỉ còn những đàn dê là chịu được dưới thời tiết nắng nóng. Ðến đập Hàm Cần trong những ngày giữa tháng 3 chỉ còn một vài vũng nước nhỏ.

Loay hoay cắt thanh long chết để dọn dẹp trụ, ông Nguyễn Văn Hùng (sinh năm 1976, dân tộc Raglai) rầu rĩ cho biết, thôn 3 của thời điểm khoảng 20 năm trước còn có nước để người dân sinh hoạt. Dần dần về sau, nắng nhiều hơn, nước ít lại và đến hiện tại không còn nước. Nhà ông có giếng đào hơn 75m mà không có giọt nước nào. Khu vực này chỉ trồng được cây bắp, cây lúa, cây thanh long, nhưng mùa khô hạn thì các cây lại chết hết. Ðến mùa mưa phải mua giống mới trồng lại từ đầu cho nên năng suất không cao. Từ đó, thanh niên phải bỏ xứ đi vào các khu công nghiệp, vựa thanh long để làm thuê. Nếu được, Nhà nước tạm thời đưa nước từ hồ sông Móng về để phục vụ cho người dân sản xuất và có nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Văn Sông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Cần cho biết, công trình đập Hàm Cần tưới cho 200 ha đất canh tác và cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc thôn 3. Vào mùa khô, công trình này không có nguồn nước để phục vụ tưới cho khoảng 150 ha cây thanh long, cho nên người dân phải tự đào ao, khoan giếng để tưới.

Hằng năm, khoảng tháng 12 là không còn nước và đến tháng 6 mới có nước trở lại là nhờ có mưa. Do đó, vào mùa khô, người dân chủ yếu trồng cây củ mì. Còn giếng khoan phải đào hơn 50m nhưng vẫn còn nhiễm phèn, thậm chí có giếng hơn 80m vẫn không có nước. Hệ thống nước sinh hoạt chỉ đáp ứng 70% nhu cầu. Hiện nay có một số khu vực ở các thôn vẫn chưa có hệ thống đường ống chính đi qua, với khoảng 216 hộ/634 khẩu.

Gần đó, sông Bà Bích (xã Hàm Thạnh) cũng cạn dòng nước, chỉ có vài chỗ trũng mới có vũng nước. Những nơi có nước được người dân dùng để tắm. Khu vực thôn Dân Thuận (xã Hàm Thạnh) cũng trong tình trạng thiếu nước sản xuất. Các kênh thủy lợi với mực nước cao chỉ hơn 10 cm. Với hơn một héc-ta thanh long, ông Trần Hồng Tâm (trú tại xã Dân Thuận) cho biết: Bắt đầu vào mùa khô từ tháng 10, những cây thanh long không đạt được hiệu quả sẽ không tưới mà cứ để tự nhiên. Nếu cây sống qua mùa khô sẽ tiếp tục trồng, còn không sẽ cắt bỏ.

Khu vực này có nguồn nước từ kênh Ba Bàu dẫn về, nhưng hơn một tháng mới có một đợt. Những khu vực đầu kênh thủy lợi thì có nước, khu vực giữa kênh phải dùng máy bơm, còn cuối kênh không còn nước. Nước giếng khoan phải đào hơn 35m nhưng cũng bị nhiễm phèn. Do đó, thanh long không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mà chỉ bán thị trường trong nước. Trong năm 2024, công ty thủy lợi cấp nước hai lần và lần cuối sẽ kết thúc vào đầu tháng 4.

Tương tự, nhiều ruộng lúa của huyện Tánh Linh thiếu nước sản xuất cho nên nông dân dùng mọi phương tiện, biện pháp để cứu các trà lúa 60-70 ngày tuổi đang khô hạn. Theo Ủy ban nhân dân huyện Tánh Linh, tính đến thời điểm hiện tại, nguồn nước từ Nhà máy thủy điện Ða Mi về rất thấp (dưới 20m3/s). Hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 350-500 ha nguy cơ mất trắng. Không chỉ thiếu nước sản xuất, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh còn thiếu nước sinh hoạt.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Bắc Bình, mùa khô năm 2024, có khoảng 110 hộ tại xã Sông Lũy, xã Bình Tân có khả năng thiếu nước sinh hoạt cục bộ vào các thời điểm cao điểm. Tại huyện Hàm Tân, số hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt từ công trình cấp nước tập trung là 2.750 hộ, từ công trình cấp nước nhỏ lẻ là gần 1.000 hộ. Trên toàn huyện Hàm Thuận Bắc có 10 xã, thị trấn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt khoảng 5.321 hộ dân/15.444 nhân khẩu.

Tìm phương án bảo đảm nguồn nước

Tại huyện Tuy Phong, dung tích nước còn lại ở ba hồ chứa Lòng Sông, Phan Dũng và Ðá Bạc là 10,43 triệu m3, bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt trong mùa khô 2024. Ngoài ra, Ban Quản lý công trình công cộng Tuy Phong cũng đang chuẩn bị tiến hành thi công công trình đường ống nước thô thứ hai từ hồ Lòng Sông về Nhà máy nước Tuy Phong nhằm tăng lượng nước thô về nhà máy trong mùa khô, phục vụ cho việc sản xuất nước sạch với công suất 30 nghìn m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân.

Tính đến thời điểm ngày 15/3, lượng nước hữu ích hiện tại các hồ chứa thủy lợi là: 128/363 triệu m³ đạt 35% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 38 triệu m³. Lượng nước hữu ích hiện tại hồ Thủy điện Hàm Thuận 373/522 triệu m³ đạt 71% thiết kế; hồ Thủy điện Ðại Ninh 163/251 triệu m³ đạt 65% thiết kế, thấp hơn cùng kỳ 13 triệu m³. Huyện Hàm Thuận Nam thiếu nước ngưng tưới sớm nhất, hồ Tà Mon ngưng tưới từ ngày 3/3, kênh Ba Bàu dự kiến ngừng tưới vào ngày 4/4.

Ông Hồ Ðắc Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Bình Thuận

Ðể bảo đảm nguồn nước cấp cho sản xuất, công ty đề nghị các địa phương thành lập và củng cố tổ thủy nông nội đồng, tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng. Về lâu dài, tỉnh xem xét, sớm giải quyết đền bù phần diện tích khu vực lòng hồ chứa nước Sông Dinh 3 để tích trữ nguồn nước theo thiết kế; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình Kênh chuyển nước hồ Sông Dinh 3, hồ Núi Ðất, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng nhằm bổ sung nguồn nước cho hồ Núi Ðất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hữu Phước cho biết: Do ảnh hưởng của hiện tượng Elnino, sở chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp nhận, sử dụng nguồn nước thô từ công trình thủy lợi, từ sông suối phục vụ các công trình cấp nước bảo đảm đạt công suất thiết kế; xây dựng các kịch bản về phòng chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt đến từng công trình cấp nước, phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm. Trung tâm đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn đã phê duyệt danh mục đầu tư trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bảo đảm đủ điều kiện khởi công.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm kê nguồn nước tại các hồ chứa và công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành, phân phối nước tiết kiệm, hợp lý ngay từ đầu mùa khô, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vận hành, phân phối nước khi nguồn nước bị thiếu hụt.

Ngoài ra, sở cũng phối hợp Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam, Công ty Thủy điện Ðại Ninh, Công ty cổ phần Thủy điện Ða Nhim-Hàm Thuận-Ða Mi, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác công trình Thủy lợi Bình Thuận, các địa phương xây dựng kế hoạch, nhu cầu sử dụng nước vùng hạ du các hồ chứa thủy điện Ðại Ninh, Hàm Thuận nhằm bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cung cấp, phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trong cả mùa khô.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách kịp thời hỗ trợ kinh phí mua, vận chuyển nước sinh hoạt, đặc biệt ưu tiên cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời vận động, hướng dẫn nhân dân áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây lúa (ướt-khô xen kẽ, nông-lộ-phơi) và cho cây trồng cạn (tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt), bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng.