Tiểu vùng nam sông Hậu liên kết phòng, chống dịch và phát triển kinh tế

NDO -

Vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tiểu vùng nam sông Hậu nói riêng có thế mạnh về nông nghiệp, thủy sản nhưng đang đứng trước thách thức lớn của dịch Covid-19. Để bảo đảm tiếp tục phát triển nhanh và bền vững cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong phòng, chống dịch, sản xuất, lưu thông, tiêu thụ.

Quang cảnh hội nghị liên kết tiểu vùng nam sông Hậu.
Quang cảnh hội nghị liên kết tiểu vùng nam sông Hậu.

Trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Sóc Trăng, sáng 19/10, UBND TP Cần Thơ chủ trì hội nghị trực tuyến về liên kết, phối hợp giữa các địa phương tiểu vùng nam sông Hậu: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội phù hợp tình hình thực tế. Trên cơ sở các nội dung theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, TP Cần Thơ đề xuất Chương trình liên kết trên 6 lĩnh vực gồm: y tế, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ - du lịch, thông tin và truyền thông, giao thông vận tải và lao động - việc làm.

Ngôi nhà chung 7 tỉnh, thành phố

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành thống nhất về các lĩnh vực liên kết và có một số đề xuất thêm. Ông cho rằng, cần chia sẻ thông tin về tình hình và cấp độ dịch giữa cấp tỉnh; cấp huyện và có thể xã giáp ranh trong khu vực. Hợp tác, chia sẻ về kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; khả năng huy động, hỗ trợ nhân lực, vật lực, kể cả vaccine giữa các địa phương.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói rằng, từ trước đến nay, về kinh tế mỗi tỉnh tự bơi nên sự phát triển của khu vực không đồng đều và vững chắc. Thời gian qua phòng, chống dịch cũng vậy, từng tỉnh có giải pháp riêng, kể cả những quy định của các tỉnh với nhau còn chưa đồng bộ.

“Như vậy phải làm sao cho 7 tỉnh, thành phố thành 1 khối thống nhất mới có sự đồng thuận và chủ trương trong 7 tỉnh là ngôi nhà chung”, ông Trần Văn Lâu đặt vấn đề và chia sẻ thêm: “Kể cả tiêu thụ hàng hóa nông sản, không có tiếng nói chung, không có người chủ trì đứng ra liên kết để đề xuất với các bộ, ngành Trung ương. Nếu để tình hình này trong thời gian nữa thì đối với phát triển kinh tế trong vùng ngày càng sẽ đi xuống và thua sút các khu vực khác trong cả nước. Khu vực của tiểu vùng nam sông Hậu cần có 1 tỉnh, thành phố đại diện, nhất là TP Cần Thơ là “chim đầu đàn” cho cả khu vực nam sông Hậu”.

Đối với việc liên kết tiêu thụ, thúc đẩy thương mại dịch vụ, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho rằng, cần thống nhất các điều kiện chung, tạo thuận lợi cho nhân dân trong khu vực qua lại mua bán, trao đổi giao thương hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản. Xúc tiến thành lập Trung tâm đầu mối phân phối, trung tâm logictics cấp vùng, và từ trung tâm này kết nối với các chợ đầu mối, kênh tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước về tiêu thụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu, xây dựng kế hoạch của Cụm liên kết về phục hồi du lịch do tác động của dịch Covid-19, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch giữa các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp du lịch. Tăng cường phối hợp trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, nhất là các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Tăng cường liên kết phát triển du lịch với TP Hồ Chí Minh theo thỏa thuận đã được ký kết tại Bạc Liêu vào năm 2019, đặc biệt là phối hợp các tỉnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực du lịch.

Kết nối lại vận tải hành khách và hàng hóa

Về lĩnh vực lao động - việc làm, tỉnh Bạc Liêu đề xuất tập trung liên kết, chia sẻ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong khu vực và gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và của từng địa phương.

Sau khi Chương trình được ký kết, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trong công tác quản lý nhà nước về lao động - việc làm, tiền lương, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chia sẻ dữ liệu; thường xuyên trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm lẫn nhau về lĩnh vực này với các tỉnh, thành phố khu vực nam sông Hậu.

Ông Đồng Văn Thanh nói rằng, hiện nay các tỉnh, thành phố trong vùng có lượng người dân trở về từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ rất lớn. Đây là nguồn lao động dồi dào, cơ bản đã qua đào tạo và có kinh nghiệm. Do đó, cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các địa phương trong thu hút lao động, tạo việc làm cho nhân dân trong khu vực. Trước mắt là giữa các địa phương giáp ranh (để thuận tiện cho người dân đi lại và kiểm soát dịch), sau đó là liên kết vùng trong lao động.

Trong khi đó, đại diện tỉnh Cà Mau đề nghị rà soát mạng lưới vận tải hành khách và hàng hóa liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và đến TP Hồ Chí Minh; đồng thời nâng cao hiệu quả của Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo hướng mở các tuyến mới.

Tiểu vùng nam sông Hậu liên kết phòng, chống dịch và phát triển kinh tế -0
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị. 

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đề nghị, đối với vận tải hành khách đường bộ: Địa phương cấp 1, cấp 2 cho hoạt động vận tải hành khách bình thường. Địa phương cấp 3, cấp 4 giao Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố tham mưu UBND cấp tỉnh quyết định bảo đảm phòng, chống dịch. “Vận tải hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia, vận chuyển nội bộ bằng xe ô-tô cho phép hoạt động 100% kể cả nội tỉnh và liên tỉnh”, ông Trần Việt Trường nhấn mạnh.

Về lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu các địa phương, rà soát nắm admin các trang fanpage có số lượng thành viên lớn để kịp thời phát hiện các thông tin không chính xác về phòng, chống dịch, tránh gây hoang mang dư luận. Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ cũng đề xuất sẽ là đơn vị lập bản đồ Covid-19 dùng chung cho 7 địa phương.

Về lâu dài, trên cơ sở vừa làm vừa rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, liên kết với các địa phương còn lại của đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Sau hội nghị này, TP Cần Thơ sẽ hoàn chỉnh dự thảo Chương trình liên kết 7 tỉnh, thành phố nam sông Hậu để tiến hành ký kết và thực hiện.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ:

Qua ghi nhận thực tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần tiếp tục có chung kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ phân bổ vaccine nhanh chóng về 7 tỉnh, thành phố tiểu vùng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là yêu cầu để các doanh nghiệp có thể hoạt động trở lại theo yêu cầu vừa chống dịch, vừa tái sản xuất an toàn. Là vùng sản xuất nông nghiệp, địa lý đặc thù, các doanh nghiệp phải lưu thông qua lại giữa các địa phương nên sẽ không thể mở cửa và khôi phục sản xuất nếu như phân bổ không hợp lý như hiện nay.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép