Kỹ thuật tác chiến giúp Tiểu đoàn 77 liên tục hạ gục “pháo đài bay B-52”, góp phần làm nên thắng lợi to lớn của 12 ngày đêm lịch sử, đã được Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Đinh Thế Văn, nguyên Trưởng ban Huấn luyện chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội chia sẻ cụ thể tại Hội thảo khoa học '“Điện Biên Phủ trên không”: Ý chí và Niềm tin tất thắng" diễn ra tại Hà Nội hồi tháng 11/2022.
Được lệnh đánh B-52 từ 16 giờ 30 phút ngày 18/12/1972, Tiểu đoàn 77 đã sẵn sàng đánh B-52 theo nhận định từ trước là nó sẽ đi từ hướng tây nam đi lên và tây bắc đi xuống. Tiểu đoàn 77 vinh dự là đơn vị được bố trí tại trận địa Chèm để bảo vệ khu Trung ương, nơi Đảng và Chính phủ làm việc, là nơi yên nghỉ của Bác Hồ kính yêu và bảo vệ Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam, tiếng nói của cả nước, bảo vệ Nhà máy Điện Yên Phụ, là nguồn sáng cho Hà Nội.
Trải qua những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền bắc, Tiểu đoàn tên lửa 77 đã thực hiện tốt phương châm “phát huy tính năng ưu việt của khí tài SAM-2, tiêu diệt địch cao nhất và tiết kiệm đạn dược", với sở trường chiến đấu bắn đón vượt nửa góc, hoàn chỉnh cách đánh 3 điểm.
Bằng phương pháp vượt nửa góc và bám sát tự động cả 3 màn hiện sóng, Tiểu đoàn 77 đều bắt được mục tiêu và đã bắn rơi 25 máy bay Mỹ.
Đánh để thục luyện khí tài trong điều kiện nhiễu rất nặng, Tiểu đoàn 77 đã được chuyên gia Liên Xô hướng dẫn bắt đánh với loại máy bay trinh sát SR-71 thường là bay ở độ cao 20 đến 22 km với tốc độ là 1000 m/giây (tốc độ tên lửa SAM-2 của ta chỉ được 750 m/giây).
Tên lửa SAM-2 của Bộ đội tên lửa bảo vệ Thủ đô xuất kích tiêu diệt máy bay Mỹ trong trận Hà Nội 12 ngày đêm, tháng 12/1972. (Ảnh: TTXVN) |
Trong điều kiện địch gây nhiễu dày đặc, nhưng Tiểu đoàn 77 đã đánh được 10 trận, đều phát hiện và bắt được địch ở cự li 100 đến 120 km và phóng tên lửa ở cự li 85 đến 90 km. Cả 3 màn đều bám sát tự động được, khi ∆R=20/30 tất cả các trận đánh điểm gặp giữa mục tiêu và tên lửa đều quá tải vượt qua đầu, nên được các đồng chí chuyên gia Liên Xô rất tin tưởng về kíp chiến đấu và bảo đảm khí tài của Tiểu đoàn 77.
Ngay đêm 18/12, Tiểu đoàn 77 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc B-52 ở Thanh Oai, Hà Tây bằng phương pháp vượt nửa góc, phương pháp ưu việt nhất của khí tài SAM-2.
Trước khi bước vào trận quyết chiến chiến lược 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 của chiến dịch, Tiểu đoàn 77 đã nhiều lần tập trung hội thảo rút kinh nghiệm và học tập, nghiên cứu hiểu biết về máy bay B-52 kể cả tính năng, kỹ chiến thuật các loại vũ khí của địch; được nghe phổ biến kinh nghiệm, bài học cách đánh B-52 ở Quân khu 4 và thực tiễn chiến đấu của bộ đội tên lửa ở Hải Phòng, đã bắn gần trăm quả đạn mà không có B-52 nào rơi tại chỗ; quá trình tổ chức học tập, huấn luyện thông qua tài liệu “sách đỏ” - Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa.
"Sách đỏ" - Cách đánh B-52 của Bộ đội Tên lửa |
Các vấn đề đưa ra nghiên cứu huấn luyện gần như khẳng định, nếu đế quốc Mỹ cho B-52 vào đánh phá Hà Nội, thì tên lửa của chúng ta không thể bắt được mục tiêu, mà cũng không thể đánh bằng phương pháp “Vượt nửa góc" (phương pháp chính của bộ khí tài SAM-2).
Do đó, đơn vị đã tập trung vào huấn luyện cho các kíp chiến đấu chủ yếu đánh bằng phương pháp 3 điểm, nhất là đi sâu vào cách phân biệt dải nhiễu để trắc thủ bám sát đúng giải nhiễu trong tốp và đúng từng chiếc B-52 trong đội hình.
Sau cuối các buổi huấn luyện, đơn vị tổ chức hội thảo và đối chiếu với các nội dung huấn luyện của “sách đỏ”. Đồng thời trao đổi trực tiếp với các tiểu đoàn đã trải qua thực tiễn đánh B-52 bằng phương pháp 3 điểm, đánh trong trường hợp không phát sóng để chống Shrike, xác suất chiến đấu không cao.
Đặc biệt, trong quá trình huấn luyện đánh B-52, Tiểu đoàn thường xuyên được lãnh đạo chỉ huy trung đoàn, sư đoàn, quân chủng quan tâm theo dõi, chỉ đạo (đồng chí Trần Sanh, Lê Huy Vinh, đồng chí Cổ, đồng chí Khuê), trực tiếp phổ biến kịp thời những bài học rút ra từ thực tiễn các đơn vị chiến đấu đánh B-52 ở chiến trường Trị - Thiên, Khu 4, những dự báo các thủ đoạn và chiến thuật khi mà địch dùng B-52 đánh Hà Nội.
Kíp chiến đấu bắn rơi B-52 đầu tiên bằng phương pháp "vượt nửa góc"', từ phải sang: Đỗ Đình Tân (Trắc thủ phương vị); Đinh Thế Văn (Tiểu đoàn trưởng); Nguyễn Văn Đức (Sĩ quan điều khiển); Lưu Văn Mộc (Trắc thủ góc tà); Phạm Hồng Hà (trắc thủ cự ly). |
Qua 12 ngày đêm dũng cảm, mưu trí, sáng tạo đánh địch, Tiểu đoàn 77 đánh 18 trận, có 14 trận bắt được mục tiêu khi đánh bằng phương pháp vượt nửa góc. Trong đó, có 10 trận cả 3 màn đều bám sát tự động, được trên công nhận Tiểu đoàn 77 bắn rơi 4 chiếc B-52, trong đó có 3 chiếc B-52 rơi tại chỗ.
Chuẩn bị bước vào CDPK đánh B-52, cấp trên thường xuyên quan tâm và dành nhiều thời gian huấn luyện cho Tiểu đoàn 77 về cách bắt và bắn mục tiêu trong điều kiện có nhiễu nặng, cách chống và tránh tên lửa Shrike của địch khi gặp phải, cách đánh phát sóng nhanh, đánh nhanh và gạt tránh tên lửa Shrike tấn công.
Trong quá trình tác chiến chiến dịch, khi phát sóng đánh MBCT, tiểu đoàn phát hiện địch phóng 6 quả Shrike. Nhưng tiểu đoàn trưởng và kíp chiến đấu đều phát hiện sớm, nên gạt được và đảm bảo an toàn cho trận địa. Còn ban đêm đánh B-52, khi phát sóng thì không phát hiện có Shrike phóng vào đài.
Đúng như ta nhận định là: Khi B-52 vào trong vành đai ném bom, thì tất cả các loại MBCT khống chế tên lửa, đều phải bay ra vòng ngoài hết. Như vậy, sẽ thuận lợi đài điều khiển cho cả 3 màn vào chế độ bám sát tự động, nên cũng không sợ Shrike bắn vào đài.
Qua nhiều lần hội thảo và học tài liệu về tính năng chiến đấu, kỹ thuật của các loại vũ khí của địch, để đánh được B-52 ta đã nhận thức rõ: Không có loại vũ khí nào ưu việt tuyệt đối cả, quan trọng là phải biết nó mạnh ở chỗ nào, yếu ở chỗ nào để mình hạn chế cái mạnh của nó, khoét sâu được điểm yếu của nó để đánh.
Điểm mạnh của B-52 là gây nhiễu vì mỗi B-52 có 17 máy gây nhiễu. Mỗi tốp B-52 có tối thiểu là 3 chiếc trong đội hình, tổng cộng là 51 máy gây nhiễu, lại bay ở độ cao 10km nên dải nhiễu B-52 là rất nặng và rộng. Vì vậy, địch đã khẳng định rằng sẽ khó có loại ra-đa hay vũ khí nào có thể bắt và đánh được B-52 là đúng và có cơ sở, chưa tính đến nhiễu của các máy bay chiến thuật (MBCT) bay hộ tống tốp B-52.
Thực tiễn cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào miền bắc nước ta cuối tháng 12/1972 đã chứng minh, mỗi khi B-52 vào đánh phá Hà Nội thì có hàng trăm loại nhiễu: nhiễu từ xa, nhiễu trong đội hình, nhiễu tiêu cực, nhiễu rãnh đạn... Tiểu đoàn mở màn hình, mở máy thu nhiễu đều thấy màn hình trắng xóa.
Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77 trao đổi kinh nghiệm đánh máy bay B-52 của không quân Mỹ. (Ảnh tư liệu) |
Bằng những kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu và được huấn luyện kỹ về cách phân biệt nhiễu thật, nhiễu giả B-52. Khi có nhiễu MBCT hoặc nhiễu B-52, kíp chiến đấu của tiểu đoàn đều nhận biết được nhiễu MBCT và nhiễu B-52.
Trong khi nhiễu MBCT thường bay ở độ cao dưới 6 đến 7km, dải nhiễu B-52 rất nặng và ổn định do B-52 bay ở độ cao 10 đến 12 km, mang bom nhiều nên trọng lượng lớn, khả năng cơ động hạn chế. Vì thế, kíp trắc thủ tên lửa ta có thể quan sát và phân biệt được nhiễu B-52 với các loại nhiễu khác rất dễ dàng và bám sát được giải nhiễu B-52 ngay từ xa.
Tính theo Y-87 và góc tà, khi B-52 vào đến cự ly 40 km, kíp chiến đấu nâng cao thế phát sóng, phát hiện được ngay mục tiêu, trong màn nhiễu có B-52, rất nặng, ổn định và rõ. Với cách phát sóng ngắn và nhanh không quá 10 giây, làm cho các tốp MBCT có tên lửa Shrike không thể phóng vào khi tài của ta được.
Bằng kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu, kíp chiến đấu của tiểu đoàn chọn thời cơ phóng 2 quả thường ở cự ly 35 km. Với cự ly này, B-52 đã vào vành đai ném bom nên không có loại MBCT nào bay dưới để khống chế tên lửa. Khi ∆R=10km, thì sĩ quan điều khiển lệnh cho trắc thủ cả 3 màn bám sát tự động.
Cách đánh này, với đánh máy bay loại MBCT sẽ có xác xuất bị tiêu diệt rất cao, còn đối với B-52 tín hiệu rất to, lại không cơ động, thì xác xuất sẽ càng cao hơn.
Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257, Sư đoàn 361) Đinh Thế Văn (người đội mũ) thuyết minh cách đánh B-52 với Chủ tịch Tôn Đức Thắng (ngoài cùng bên trái) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu) |
Đúng như các nhà nghiên cứu quân sự đã kết luận "Nếu Việt Nam chỉ có lòng dũng cảm không thôi, thì đế quốc Mỹ thừa sức đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá, bắt Việt Nam phải đầu hàng ở Hội nghị Paris. Nhưng Việt Nam không chỉ có lòng dũng cảm, mà có trí thông minh rất tuyệt vời. Với truyền thống chống giặc ngoại xâm hàng ngàn năm, thì không một kẻ thù xâm lược nào có thể thắng nổi dân tộc Việt Nam".
Quá trình chiến đấu Bộ đội phòng không luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: Trung với nước, hiểu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” và lời tiên đoán của Bác “... Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay "Bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh thì nhất định thắng..." và "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội".
Thấm nhuần lời dặn của Bác, với quan điểm "Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng", Tiểu đoàn trải qua 2 năm vừa học, vừa đánh các loại MBCT; vừa nghiên cứu và học cách đánh B-52, dự kiến để ra các phương án, các tình huống mà B-52 đánh vào các mục tiêu mà tiểu đoàn phải bảo vệ.
Chia sẻ tại Hội thảo, Anh hùng lực lượng vũ trang Đinh Thế Văn cho hay, những kinh nghiệm quý báu về tổ chức đánh B-52 và tránh tên lửa chống ra-đa trong CDPK 12 ngày đêm của Tiểu đoàn 77 cần tiếp tục được nghiên cứu vận dụng trong đánh địch tiến công hỏa lực đường không ngày nay.