Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống

NDO - Chiều 15/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm về “Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống” nhằm hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành chức năng trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả điện năng; việc lan tỏa các chương trình tiết kiệm điện năng vào thực tiễn đời sống xã hội; các giải pháp sử dụng hiệu quả, bền vững, tiết kiệm nguồn năng lượng điện...
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh; VGP)
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh; VGP)

Tham dự Tọa đàm là các khách mời: ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương; ông Nguyễn Viết Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương Vĩnh Phúc; TS. Trần Đình Thiên, Chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh; ông Trần Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng thiết bị, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam.

Thách thức lớn cho công tác tiết kiệm điện

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc EVN chia sẻ, 4 tháng đầu năm, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ và biến động khắc nghiệt của thời tiết, nắng nóng kéo dài, EVN đã bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân.

Theo số liệu thống kê, trong tháng 4, điện thương phẩm toàn quốc đạt 26,8 tỷ kWh và sản lượng này tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn lại cả 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với 2023. Nhìn lại cả năm 2023, điện thương phẩm toàn quốc tăng 4,26%. Như vậy, riêng 4 tháng đầu năm 2024, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023 và đây cũng là tỉ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.

Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống ảnh 1

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam Võ Quang Lâm.

Nhìn lại từng thành phần điện đã sử dụng, trong 14,12%, điện cho công nghiệp tăng 10,91%, điện cho thương mại-dịch vụ tăng 18,95%, điện cho sinh hoạt tăng 18,54%, cao gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước trong thời gian vừa qua.

Nhìn kỹ hơn vào từng khu vực, riêng tại Hà Nội, điện cho thương mại-dịch vụ tăng trưởng 33,26%, điện cho sinh hoạt khu vực Hà Nội tăng 29,27%, tức là tăng xấp xỉ hơn 30% với 2 thành phần thương mại và dịch vụ.

Còn tại miền bắc, tiếp tục duy trì tăng trưởng điện thương phẩm cho sản xuất công nghiệp (tăng trưởng 13,02% - là mức rất cao trong 4 tháng vừa qua) với công suất và sản lượng trong quá khứ. Vào 13 giờ 30 ngày 27/4/2024, công suất đỉnh của hệ thống điện quốc gia đã đạt 47.670 MW, tăng trưởng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn công suất cực đại năm 2023 là 1.929 MW, con số kỷ lục trong toàn bộ quá trình 70 năm của ngành điện lực Việt Nam.

Về sản lượng, ngày 26/4/2024, sản lượng điện toàn quốc đạt 994 triệu kWh, tăng 14,3% so với 2023 và tăng 7,6% so với ngày cao nhất của 2023. Tính theo giá trị tuyệt đối thì số lượng này tăng 70 triệu kWh trong 1 ngày của ngày 26/4.

Tuy nhiên, những kỷ lục này đều xảy ra vào những ngày nghỉ lễ. Đó là thời kỳ bắt đầu mùa nắng nóng ở miền bắc và cũng là mùa nắng nóng ở miền trung. Chúng tôi dự báo trong năm 2024, vào những tháng sắp tới, hệ thống điện của chúng ta có thể có những kỷ lục mới về công suất, sản lượng. Đây là những thách thức rất lớn mà EVN và các đơn vị thành viên cũng như các đơn vị khác trong hệ thống điện của chúng ta phải cố gắng nỗ lực để bảo đảm điện cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những tháng cao điểm nắng nóng sắp tới.

Về tiết kiệm điện, nước ta là quốc gia có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả bằng một số nước khác. Ví dụ, so sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, trong khi trung bình trên thế giới chỉ vào khoảng 170 tấn dầu quy đổi, với các nước trong OECD thì con số này khoảng 104 tấn dầu quy đổi, với Singapore là 99 tấn dầu quy đổi, Nhật Bản là 90 tấn dầu quy đổi.

Như vậy, để có 1.000 USD, chúng ta đang tiêu thụ năng lượng gấp khoảng 2-3 lần các quốc gia khác. Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là tiết kiệm điện trong thời gian.

Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống ảnh 2

TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế phát biểu tại Toạ đàm.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế đánh giá, Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8/6/2023 đã cho thấy nhận thức, hành động quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Thiên nhận thấy có một số đặc điểm nổi bật trong Chỉ thị này. Chỉ thị không chỉ phát động phong trào thi đua mà còn như một chương trình hành động quốc gia. Đó là điều khác biệt bởi nếu là phong trào thì nhiều khi chỉ mang tính cổ động, khuyến khích. Trong Chỉ thị, chúng ta thấy có 2 cách tiếp cận, vừa là một chương trình hành động quyết liệt nhưng cũng có sự khuyến khích, phát động phong trào. Chỉ thị đã đặt rõ các mục tiêu như, như trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025… Đây là cách tiếp cận mục tiêu rất rõ ràng buộc ta phải có cam kết thực sự, cam kết chính trị, tức là phải hành động.

Theo ông Thiên, điều đầu tiên để sử dụng điện hiệu quả là sản lượng phải đủ, nếu thiếu điện thì không thể nào hiệu quả được. Không phải vì thiếu mà chúng ta mới cần tiết kiệm, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực hơn. Vừa rồi, chúng ta tăng sản lượng điện, đây là một trong những cách tiếp cận quan trọng bậc nhất để tăng hiệu quả sử dụng điện. Trong lĩnh vực điện, chúng ta cảm nhận được cách triển khai của Chính phủ là toàn tuyến, toàn diện, toàn cấp, toàn ngành, từ Trung ương đến các địa phương. Chính phủ ra Chỉ thị rồi giao việc cho các bộ, đặc biệt là Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Mọi nhiệm vụ, giải pháp cũng rất rõ. Địa phương có những cách làm khuyến khích, đưa phong trào thi đua xuống đến doanh nghiệp, người dân...

Tới đây, chúng ta đương đầu với nhu cầu tăng cao không phải chỉ do thời tiết. Quy hoạch Điện VIII như là một cách xử lý vấn đề này, đang được triển khai ráo riết và hành động của Chính phủ cũng mang tính đốc thúc cao như Thủ tướng đi khảo sát ở Cần Thơ, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn... Nếu không đốc thúc thì nguy cơ vỡ trận nguồn cung.

Thứ hai, vấn đề điện năng lượng tái tạo đang được triển khai rất tích cực trong những năm vừa qua, nhưng vẫn có một số vướng mắc. Tuy nhiên, cách đặt vấn đề của Chính phủ, trực tiếp là EVN rất tích cực để đương đầu với những câu chuyện đó. Tới đây, chúng ta sẽ phải làm nhiều việc khác như phân phối nguồn điện. Nhưng phần gắn với khía cạnh phong trào có lẽ phải bàn sâu hơn nữa, Chính phủ phải chủ động để làm sao ý thức tiết kiệm điện như nét văn hóa. Cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người. Thời gian qua, truyền thông đã làm mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo, tới đây sẽ phải làm tốt hơn nữa.

Nỗ lực thực hiện tiết kiệm điện

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) chia sẻ, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện, đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên trong giai đoạn vừa qua.

Đối với năm 2024, nhận định đây là năm chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp cũng như nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu trong năm nay.

Từ cuối năm 2023, lãnh đạo Bộ Công thương đã ban hành những văn bản chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than -Khoáng sản Việt Nam cũng như 63 UBND tỉnh, thành phố trên toàn quốc thực hiện nghiêm và mạnh mẽ các giải pháp về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống ảnh 3

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương.

Trong đầu năm 2024, ngày 1/3, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 20/2023 và Kế hoạch thực hiện năm 2024. Bộ cũng đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng trong năm 2024 và giao cho cơ quan đầu mối là Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững triển khai thực hiện từ rất sớm, ngay trong quý I và cố gắng sẽ hoàn thành vào quý II, đầu quý III năm nay để bảo đảm việc hướng dẫn, giám sát cũng như xử lý các vấn đề tồn đọng về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, kịp thời tổ chức thực hiện cũng như hướng dẫn các địa phương, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trọng điểm, cơ sở sử dụng năng lượng, sử dụng điện trọng điểm, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

Ông Trịnh Quốc Vũ đánh giá, công tác tuyên truyền về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng là một trong những công việc mà chúng tôi thực hiện thường xuyên, liên tục. Cụ thể, để thực hiện được Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã xây dựng bộ nhận diện của chương trình tiết kiệm điện và khẩu hiệu của chương trình là "Tiết kiệm điện thành thói quen", đây là khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện.

Bộ cũng ban hành các sổ tay hướng dẫn và các hướng dẫn trên môi trường internet ở trang tietkiemnangluong.com.vn, trang thông tin điện tử chính thức của chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cũng như gửi bản mẫu thiết kế cho tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương để có thể kịp thời phổ biến, hướng dẫn đến các doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội trên địa bàn toàn quốc.

Tiết kiệm điện – Từ chính sách đến cuộc sống ảnh 4

Ông Hà Đăng Sơn, Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh.

Chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn chia sẻ, chúng ta thấy rõ ràng, câu chuyện đầu tiên trong tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen của chúng ta được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Đấy cũng là lý do tại sao Chính phủ, Bộ Công thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong câu chuyện tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp. Gần đây chúng ta thấy rất rõ những động thái của quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, các cam kết liên quan đến Net Zero. Ít nhiều điều đó cũng phản ánh đây là câu chuyện của toàn thế giới chứ không phải của riêng Việt Nam. Toàn thế giới phải chung tay thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Trước mắt tiết kiệm, sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn trước rồi, sau đó dùng các tài nguyên sẵn có như điện mặt trời, các dạng năng lượng tự dùng trước khi sử dụng từ nguồn, từ lưới.

Chúng ta thấy, các hệ thống khu dân cư của các nước phát triển rất ưu tiên sử dụng các nguồn năng lượng tại chỗ, ví dụ năng lượng từ rác… Ở Việt Nam vấn đề đó đang khá chậm. Quay lại câu hỏi phải chăng những chi phí tiết kiệm đang quá thấp làm cho người dân không cảm thấy cần phải làm điều đó. Như vừa rồi chúng ta thấy, Nghị định 100 của Chính phủ về cấm rượu bia, xử phạt rất nặng. Trong câu chuyện này, người dân tuân thủ và dần thói quen, hành động của người dân khác hẳn. Phải chăng tiết kiệm điện, tiết kiệm tài nguyên cũng phải có những chế tài nặng như thế thay vì hiện nay các quy định đa phần vẫn mang tính chất khuyến khích, giáo dục.

Cũng cần nhắc lại, những hoạt động liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, liên quan đến tiết kiệm điện của chúng ta có từ rất lâu, hơn 20 năm. Phải chăng nhận thức của cộng đồng chúng ta đã đủ chín để bắt đầu đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn, mang tính chất bắt buộc hơn chứ không phải câu chuyện không muốn thì thôi? Một số chuyên gia ở đây đã nói, giá năng lượng của chúng ta ít nhiều đang được trợ giá. Trên báo đài cũng có các ý kiến là thu nhập của chúng ta thế này, tại sao chúng ta phải trả giá thế kia, đắt quá. Nhưng thực ra chúng ta quên một điểm là giá năng lượng thế giới hiện nay về bản chất không khác gì nhau. Chúng ta đều mua những nhiên liệu đấy, đều sản với mức giá nếu đấu thầu thì ở Việt Nam và thế giới không khác gì nhau. Vừa rồi điện mặt trời, điện gió chi phí cũng như thế, giá cũng như vậy, chỉ có điều chúng ta không nhìn thấy giá nhiên liệu. Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn chẳng hạn, nhập khẩu dầu, khí phải bằng giá quốc tế. Việc mua sắm cho các nhà máy đó cũng là giá quốc tế nên chẳng có lý do gì giá năng lượng của chúng ta lại rẻ hơn thế giới. Có chăng chỉ có hai ba dạng năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) vì nguồn nguyên liệu của chúng ta rẻ hơn còn nhiệt điện than ngày xưa do than chúng ta tự khai thác được thì có thể cung cấp cho EVN rẻ hơn. Nhưng bây giờ, ngay cả TKV cũng yêu cầu giá than bán cho EVN phải phản ánh được giá thị trường. Giá của chúng ta hiện nay là đang được trợ giá do chính sách an sinh xã hội và nhiều chính sách khác của Chính phủ.

Chính phủ và Bộ Công thương cũng đang trong tiến trình cố gắng cải cách giá theo các cơ chế khác nhau để làm sao bám dần vào thị trường, tránh những việc như vừa rồi, EVN phải báo lỗ, mà lỗ ở đây không phải lỗi của EVN khi chúng ta phải mua nhiên liệu đầu vào rất cao nhưng bán ra với giá đã được cố định và giữ nguyên trong rất nhiều năm, không hề có điều chỉnh trượt giá so với giá năng lượng thế giới.

Liên quan câu chuyện các chế tài, chúng ta có luật, nghị định, thông tư, một loạt quy định… nhưng kinh nghiệm của tôi khi đi làm việc với các địa phương, có sự khác biệt trong triển khai các quy định này.

Có những địa phương quan tâm, thực sự thúc đẩy thì việc tiết kiệm điện đạt hiệu quả rất cao, nhưng có nhiều địa phương, do nhiều vấn đề an sinh xã hội, mong muốn thu hút đầu tư… tạo những điều kiện rất ưu đãi cho nhà đầu tư.

Trong trường hợp này có thể những doanh nghiệp đầu tư vào sử dụng năng lượng một cách không hiệu quả, dùng những công nghệ không phải mới nhất, dẫn đến lãng phí năng lượng lớn. Đây là một thực tế chúng ta phải nhìn nhận. Trong thời gian tới tôi mong được nhìn thấy những tín hiệu, động thái điều chỉnh.

Cuối cùng, hiện nay chúng ta chưa có mạng lưới tiết kiệm năng lượng đủ mạnh. Trước đây, khoảng 2015-2016, các mạng lưới về tiết kiệm năng lượng khá mạnh ở các địa phương nhưng sau đó do nhiều lý do, các đầu mối về tiết kiệm năng lượng bị giải thể, sáp nhập. Do đó chức năng không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà còn nhiều nhiệm vụ khác, các hoạt động liên quan đến tiết kiệm năng lượng hiệu quả không được quan tâm đúng mức. Đây là điểm tôi thấy rất đáng tiếc.

Vừa rồi, có tin vui là Bộ Công thương đã thúc đẩy và có sự ra đời mạng lưới tiết kiệm điện Việt Nam, bắt đầu trong năm 2023-2024. Đã thấy có rất nhiều hoạt động, tuy nhiên vẫn chưa đủ mạnh. Hy vọng trong thời gian tới Chính phủ, Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan cũng sẽ thúc đẩy để làm sao mạng lưới tiết kiệm năng lượng của chúng ta lại quay lại được như cách đây gần 10 năm.

Phó Trưởng phòng thiết bị, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam Trần Anh Tuấn chia sẻ, Với tư cách là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, công ty chúng tôi cũng triển khai các giải pháp thực hành tiết kiệm điện nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn sản xuất, như là tuyên truyền vận động cán bộ công nhân viên trong công ty tắt các thiết bị điện trong công ty khi không sử dụng cũng như ở gia đình; duy tu, cải tạo các thiết bị nâng cao hiệu quả sử dụng điện, khuyến khích và đưa ra các ý tưởng tiết kiệm điện tại từng bộ phận sản xuất trong công ty. Đơn vị cũng đang tiến hành thay thế toàn bộ đèn chiếu sáng trong công ty thành các đèn led tiết kiệm điện; tiến hành cải tạo hệ thống điều hòa trong phân xưởng, lắp đặt bộ tắt điện tự động để bật tắt trong các khung giờ có nhân viên sử dụng và không sử dụng; rà soát tối ưu hóa việc sử dụng khí nén cho sản xuất. Công ty đang nỗ lực phấn đấu tiến tới Net Zero vào năm 2030.