Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, từ năm 2016 đến tháng 2/2024, tổng doanh số cho vay đối với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh là hơn 19 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất thấp (0,005%) so với tổng doanh số cho vay nền kinh tế của cả tỉnh cùng giai đoạn.
Không có tài sản thế chấp để vay vốn
Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, chia sẻ: “Hợp tác xã đi vào hoạt động từ tháng 6/2016, đến nay đã nhân rộng lên hàng trăm héc-ta cây măng tây xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP, được Trung tâm Chất lượng nông, lâm, thủy sản Vùng 3 cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh; bình quân thu nhập từ 800-900 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2022, hợp tác xã thu mua của các hộ thành viên khoảng 100 tấn sản phẩm/năm, trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Thế nhưng, nhiều năm qua, hợp tác xã vẫn không vay được vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp. Chúng tôi chỉ còn cách vận động thành viên dùng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn, góp cho hợp tác xã duy trì và phát triển”.
Huyện Bác Ái có 14 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiêp, ngư nghiệp, phi nông nghiệp với 382 thành viên. Thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong các hợp tác xã từ 5,5 đến 5,8 triệu đồng/thành viên/tháng. Các Hợp tác xã Phước Bình, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Nam miền Trung... đã đổi mới hình thức hoạt động theo hướng kinh doanh tổng hợp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa rộng, như: Lợn bản địa, hạt điều, hạt chuối mồ côi, dược liệu, trái cây,... đạt chất lượng cao về an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, tiếp cận được thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống cho các thành viên nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của huyện nói chung.
Tuy nhiên, qua đánh giá, phân loại năm 2023, số hợp tác xã hoạt động tốt, khá chiếm tỷ lệ thấp, trong khi đó nhiều hợp tác xã mới thành lập đang khát vốn để hoạt động, có hợp tác xã phải tạm ngưng hoạt động vì thiếu vốn đầu tư.
Bí thư Huyện ủy Bác Ái Mẫu Thái Phương chia sẻ: “Hiện, khung pháp luật và chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã được thành lập và hoạt động còn nhiều bất cập như hồ sơ thủ tục rườm rà, mức hỗ trợ ít vì chủ yếu dựa vào giá trị tài sản thế chấp.
Trong khi đó, việc huy động vốn nội bộ của hợp tác xã cũng ít, do xã viên chưa tìm thấy lợi ích thiết thực của mình, nên cũng chưa mặn mà góp vốn. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã đang gặp khó khăn về đất đai, nhà xưởng, trụ sở làm việc... dẫn tới quy mô của các hợp tác xã tại địa phương không lớn được, chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, nên hiệu quả chưa cao”.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại Ninh Thuận Nguyễn Anh Tuấn, những năm qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, mức vay... tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm cao nhất là 1 tỷ đồng/hợp tác xã; 2 tỷ đồng/hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và 3 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Đồng thời, Chính phủ cũng có một số chính sách xử lý nợ trong trường hợp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng; khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, chuỗi giá trị, thì mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70%-80% giá trị dự án, phương án... để các hợp tác xã có điều kiện tăng vốn hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, hầu như vốn điều lệ thực góp của các hợp tác xã tại Ninh Thuận rất thấp, nhất là các hợp tác xã thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; phần lớn chỉ tồn tại trên giấy tờ, sổ sách, nên khả năng tiếp cận tín dụng với các ngân hàng rất khó vì theo quy định trong mọi trường hợp, phần vốn vay vượt quá vốn điều lệ thực góp của hợp tác xã tại thời điểm vay vốn đều phải được bảo đảm 100% bằng tài sản.
Trong khi đó, tài sản thuộc sở hữu của hợp tác xã rất ít, hoặc không có, nên không thể vay. Một số hợp tác xã vay vốn ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu, nợ lãi dây dưa, kéo dài nhưng không có phương án xử lý, khắc phục, nên các ngân hàng khó xem xét để cho vay vốn mới.
Ngoài ra, nhiều hợp tác xã được thành lập chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về hoạt động của Luật Hợp tác xã năm 2012, nhất là các hợp tác xã thành lập trên cơ sở chuyển đổi. Phần lớn các hợp tác xã chưa đầy đủ về hồ sơ pháp lý, hồ sơ kinh tế, chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh khả thi, hoặc có xây dựng nhưng nội dung sơ sài, không bảo đảm các yêu cầu, nên khó tiếp cận được các chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Các ngân hàng chủ yếu cho vay trực tiếp nhiều cá nhân là thành viên của hợp tác xã (vì cá nhân thành viên hợp tác xã có tài sản để thế chấp).
Cần có cơ chế, chính sách phù hợp
Đại diện các hợp tác xã tại Ninh Thuận cùng bày tỏ chung một nguyện vọng là sớm được tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng bằng hình thức tín chấp; nâng mức vay và kéo dài thời gian đáo hạn từ 4 tháng thành 12 tháng; cần xem xét tính khả thi của phương án vay vốn cũng như có cơ chế cho hợp tác xã được vay vốn lưu động phục vụ sản xuất theo mùa vụ để các hợp tác xã mạnh dạn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Bùi Duy Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Điều hữu cơ Truecoop, phường Phước Mỹ, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, các ngân hàng áp dụng lãi suất cho vay đối với hợp tác xã bằng mức lãi suất cho vay thông thường (9%/năm) là cao; đồng thời, thời gian thanh toán nợ đáo hạn chỉ trong 4 tháng là quá ngắn. Cần có ưu đãi phù hợp dành cho các hợp tác xã hoạt động liên kết sản xuất, kinh doanh về nông nghiệp, nâng hạn mức vay cao hơn quy định hiện nay và kéo dài thời gian đáo hạn đối với các hợp tác xã có lịch sử tín dụng tốt, có tài sản thế chấp... để hợp tác xã có điều kiện mở rộng quy mô hoạt động tốt hơn.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải chia sẻ: “Sau 4 tháng, mặc dù có nhiều loại cây trồng chưa đến kỳ thu hoạch, hợp tác xã chưa có nguồn thu, nhưng do tâm lý lo ngại là nếu chậm trả nợ thì bị rơi vào diện đối tượng nợ xấu, sẽ rất khó được vay vốn lần tiếp theo để sản xuất, nên các hợp tác xã phải lo chạy vạy tiền bên ngoài để thanh toán nợ đáo hạn, rất vất vả. Nếu có chính sách về tăng thời gian thanh toán nợ đáo hạn từ 4 tháng lên 12 tháng thì các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp sẽ thuận lợi hơn”.
Ông Đỗ Huỳnh Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Suối Đá, xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, cho biết: “Hiện, hợp tác xã đã mua được đất, nhưng không làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Rất mong các sở, ngành hướng dẫn làm hoàn tất thủ tục để hợp tác xã có tài sản thế chấp vay vốn các ngân hàng đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lâu dài”.
Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh tại Ninh Thuận Nguyễn Duy Hưng cho biết, thực tế có nhiều cán bộ điều hành hợp tác xã tuổi đã cao, trình độ chuyên môn hạn chế, nên chất lượng quản lý điều hành và phát triển hợp tác xã chưa đạt yêu cầu. Điển hình như, từ tháng 1/2023 đến tháng 5/2024, Agribank chi nhánh huyện Ninh Phước đã tiếp nhận bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Mông Nhuận, nhưng khi thẩm định thì hợp tác xã không cung cấp được báo cáo tài chính và hóa đơn chứng từ giải ngân đúng quy định. Cùng với đó, nguồn thu nhập chính của hợp tác xã là kinh doanh xăng dầu đã chuyển giao cho đơn vị khác, nên không đủ điều kiện để vay vốn.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, để giảm những bất cập về cơ chế chính sách tín dụng đối với các hợp tác xã, đòi hỏi phải có sự đồng bộ. Đối với các hợp tác xã, cần phải hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán theo đúng quy định, cung cấp thông tin về hoạt động của hợp tác xã sát thực tiễn hoạt động; chủ động trong tìm kiếm đầu vào, đầu ra của quá trình sản xuất, kinh doanh, hạn chế tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Địa phương cần thành lập Quỹ Bảo lãnh vay vốn tín dụng để bảo lãnh cho các hợp tác xã không có tài sản thế chấp theo quy định. Khi hợp tác xã thiếu tài sản bảo đảm, thì hội đồng quản trị, giám đốc và thành viên hợp tác xã dùng tài sản của mình để bảo đảm nợ vay cho hợp tác xã.