Tiếp tục phát triển các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng

NDO - Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi các cấp Hội trong cả nước tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân; chú trọng khả năng ứng dụng các công nghệ số để đổi mới phương thức đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ cấp cứu.
0:00 / 0:00
0:00
Diễn tập tình huống sơ cấp cứu.
Diễn tập tình huống sơ cấp cứu.

Ngày 7/9, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu Thế giới năm 2023, với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số” và diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ.

Qua đó, nhằm nhấn mạnh vai trò của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong thúc đẩy, lan toả, chia sẻ, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng của người dân, cộng đồng và xã hội đối với hoạt động sơ cấp cứu.

Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo, là hoạt động truyền thống của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và là một trong các hoạt động trọng tâm của 192 Hội quốc gia trên toàn thế giới.

Ngày Sơ cấp cứu Thế giới là sáng kiến được Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khởi xướng từ năm 2000.

Theo đó, kêu gọi các nước, các Hội quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Sơ cấp cứu Thế giới vào thứ bảy, tuần thứ 2 của tháng 9 hằng năm nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng, vai trò và ý nghĩa của sơ cấp cứu.

Đồng thời, tôn vinh những người làm công tác sơ cấp cứu tình nguyện trên toàn thế giới, qua đó nâng cao nhận thức, sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cộng đồng và người dân trên toàn thế giới đối với sơ cấp cứu, nâng cao năng lực, kỹ năng sơ cấp cứu tại cộng đồng và của mỗi người dân, đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu và cứu hộ, cứu nạn khi có tai nạn, sự cố, thảm họa xảy ra.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, sơ cấp cứu không chỉ là kiến thức, kỹ năng cần biết mà cần được xem là một yêu cầu, một điều kiện thiết yếu đối với mọi người, mọi cơ quan, đơn vị, tổ chức và cộng đồng.

Từ khi thành lập (ngày 23/11/1946) đến nay, sơ cấp cứu luôn là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trong những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng mở rộng hợp tác với các đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các đối tác trong và ngoài nước để phát triển các hoạt động sơ cấp cứu.

Hiện trong cả nước chỉ duy nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng được triển khai trên toàn quốc và đang triển khai mô hình các đội tình nguyện viên sơ cứu lưu động và thành lập các trạm, điểm sơ cấp cứu trên các tuyến giao thông trọng điểm, tại những vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông để kịp thời sơ cấp cứu cho người bị nạn.

Việc ra đời các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc chủ động phòng, tránh và kịp thời khắc phục hậu quả cho nạn nhân do tai nạn giao thông, đuối nước cũng như các nạn nhân do thiên tai, thảm họa khác gây ra, trợ giúp kịp thời người bị nạn, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong và thương tật, tàn phế cho nạn nhân.

Tiếp tục phát triển các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng ảnh 1

Diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa nhấn mạnh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi các cấp Hội trong cả nước tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân, chú trọng khả năng ứng dụng các công nghệ số để đổi mới phương thức đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ cấp cứu, như: xây dựng các video hướng dẫn và mô phỏng kỹ thuật, các trò chơi kỹ thuật số để sử dụng trong các khóa huấn luyện sơ cấp cứu, giúp mọi người ở mọi nơi, mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh dễ dàng tiếp thu và lưu giữ kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu; tiếp tục phát triển mạnh mẽ các mô hình sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng....

Tại lễ kỷ niệm, đã diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Ký kết triển khai hoạt động đào tạo; trao tặng dụng cụ huấn luyện sơ cấp cứu, túi sơ cấp cứu/mũ bảo hiểm cho tình nguyện viên và trường học; diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ; tổ chức các khóa tập huấn sơ cấp cứu cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trong các doanh nghiệp,...