Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ tiếp tục có nhiều đóng góp vào công tác nâng cao sức khỏe cho người dân, giảm tỷ lệ tử vong, bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong cuộc sống.
Sức sống từ những mô hình
Nhiều người dân ở tổ dân phố Tân Thành vẫn còn ấn tượng với hình ảnh một cô gái mang bầu nhanh chóng sơ cứu cho một bà cụ trong tình trạng nguy kịch. Đó là chị Vũ Thị Thủy, hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Chị Thủy nhớ lại khi đó bà Nguyễn Thị Thục đã ngoài 70 tuổi, bị tai nạn giao thông, nằm im bất động. Lúc đấy, chị Thủy cũng vừa kịp đến liền cầm máu cho vết thương của bà, đồng thời gọi các tình nguyện viên đến hỗ trợ khẩn cấp. Sau đó, bà Thục được đưa vào bệnh viện để các bác sĩ tiến hành cấp cứu giành lại sự sống.
Chị Thủy cho biết, điểm sơ cấp cứu của phường Đa Mai thành lập từ năm 2010, ban đầu với năm người làm tình nguyện viên. Đến nay, điểm sơ cấp cứu này đã có bảy tình nguyện viên được tập huấn nghiệp vụ “tinh nhuệ”, được Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cấp phép hoạt động. Trong 5 năm qua, các thành viên đã sơ cấp cứu cho hơn 800 trường hợp do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, làm việc do bất cẩn xảy ra trong cộng đồng dân cư.
Tại điểm sơ cấp cứu, ngoài tủ dụng cụ được trang bị, mỗi thành viên đều được phát một túi dụng cụ sơ cứu riêng mang về nhà để khi có tình huống khẩn cấp thì có thể xử lý kịp thời. Với mong muốn mọi người trong cộng đồng biết đến hoạt động của điểm sơ cấp cứu nhiều hơn, Hội Chữ thập đỏ phường nỗ lực đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Từ việc in thêm biển, bảng đề rõ số điện thoại của các thành viên, treo ở những điểm đông người, dễ xảy ra tai nạn đến lồng ghép giới thiệu nội dung sơ cấp cứu tại các cuộc họp của tổ dân phố. Qua đó, không chỉ nâng cao nhận thức cho người dân về hiệu quả của sơ cấp cứu ban đầu mà còn thu hút được nhiều người quan tâm, học hỏi các kỹ thuật sơ cấp cứu.
Từ những cách làm sáng tạo với tư duy đổi mới mạnh mẽ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang đã và đang để lại những dấu ấn trong hành trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói chung và kịp thời sơ cấp cứu cho những nạn nhân bị tai nạn nói riêng. Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hiện nay trên địa bàn đang duy trì và hoạt động hiệu quả một trạm và 158 điểm sơ cấp cứu. Bắc Giang hiện là tỉnh có điểm, trạm sơ cấp cứu đạt chuẩn nhiều nhất cả nước được Sở Y tế cấp phép hoạt động. Trong 5 năm gần đây, đội ngũ tình nguyện viên đã sơ cấp cứu cho gần 6.000 nạn nhân, giúp bảo vệ sự sống cho các nạn nhân và đưa đến cơ sở y tế an toàn để điều trị.
Nhằm góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tại tỉnh Khánh Hòa, trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã nỗ lực triển khai hoạt động hiến máu ở mọi lúc, mọi nơi, đến gần hơn với người hiến máu tình nguyện thông qua các điểm hiến máu lưu động, xe tiếp nhận máu lưu động. Nguyên do là bởi trước đây, khi triển khai các hoạt động hiến máu, có nhiều người muốn tham gia nhưng không được vì mỗi năm chỉ tổ chức các đợt hiến máu tập trung, tại một thời điểm và địa điểm cố định; hay có những lúc gặp thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh nên các cuộc hiến máu phải hoãn, hủy. Vì thế, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã báo cáo, xin chủ trương thiết lập các điểm hiến máu lưu động và chủ động đề xuất Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh cấp xe ô-tô để đưa đón cán bộ, nhân viên y tế, tình nguyện viên, phương tiện, dụng cụ đi thu nhận máu tại các điểm hiến máu lưu động trong toàn tỉnh.
Từ đó, trung bình mỗi năm, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa tổ chức được hơn 100 đợt hiến máu lưu động bằng xe ô-tô. Đây cũng là một hình thức để giảm bớt chi phí đi lại, chủ động về thời gian, công sức, tài chính… cho người hiến máu và đơn vị vận động. Ông Lê Văn Hoa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Khánh Hòa cho biết, mô hình này cũng phát huy hiệu quả khi dịch Covid-19 xảy ra, có ca mắc tại cộng đồng, hay thực hiện việc giãn cách xã hội, người dân không thể tham gia các hoạt động hiến máu tập trung trong khi nhu cầu máu để cấp cứu và điều trị bệnh nhân tăng cao.
Là người thường xuyên có mặt ở các điểm hiến máu lưu động từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo xa xôi, chị Lưu Thị Bích Hường, cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ, để tổ chức được các đợt hiến máu lưu động, Tỉnh hội đã linh hoạt phối hợp các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thống nhất kế hoạch thu nhận máu lưu động hằng tháng, quý, năm. Hằng tháng, cứ đến đợt đi thu nhận máu tại điểm hiến máu lưu động, các cán bộ Hội và nhân viên y tế đều rất nhiệt tình, tận tâm, đi từ rất sớm không quản ngại gian nan, vất vả để đến các điểm hiến máu tại vùng sâu, vùng xa, địa hình phức tạp, thậm chí trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nhờ đó, các điểm hiến máu lưu động ngày càng được phát triển và mở rộng. Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có 60 điểm hiến máu lưu động, tăng 19 điểm so với nhiệm kỳ trước. Nhiệm kỳ 2016-2021, số máu tiếp nhận được đạt hơn 96.750 đơn vị máu, vượt 38% chỉ tiêu đề ra.
Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau
Trong các hoạt động công tác hội và phong trào Chữ thập đỏ, Hội Chữ thập đỏ thành phố Cần Thơ luôn coi “bền vững” là một trong những tiêu chí phấn đấu, với trăn trở “Làm sao để đơn vị phát triển bền vững?”, “Phương thức nào để việc trợ giúp bền vững đến được với những người bị tổn thương, đặc biệt là người già, trẻ em không nơi nương tựa?”.
Do đó, trong quá trình tìm kiếm giải pháp cho yếu tố “bền vững”, Hội Chữ thập đỏ thành phố đã sớm hình thành và phát triển bốn mô hình trung tâm, đó là: Trung tâm huấn luyện Chữ thập đỏ, Phòng khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ; Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa; Nhà nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương, để trợ giúp những người yếu thế trong xã hội không nơi nương tựa. Bà Huỳnh Thanh Thảo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Cần Thơ cho biết, với việc triển khai và duy trì hoạt động bền vững các mô hình, Hội Chữ thập đỏ thành phố phấn đấu trở thành “Địa chỉ đỏ” tin cậy, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, mang lại tương lai tươi sáng cho trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn và mái nhà ấm áp cho người già cô đơn, không nơi nương tựa, theo hướng “Đổi mới vì sự phát triển bền vững”.
Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa thành phố Cần Thơ hiện nuôi dưỡng 72 cụ, trong đó nhiều cụ tuổi cao, sức khỏe kém, mắc nhiều bệnh mãn tính. Các cụ được nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ nhờ sự tận tâm của những nhân viên nơi đây. Giám đốc Trung tâm Lê Thị Bạch Đàng cho biết: “Sức khỏe các cụ dần giảm sút theo thời gian, đa số mắc các bệnh mãn tính phải uống thuốc thường xuyên. Vì vậy, việc chăm sóc, nuôi dưỡng đòi hỏi nhiều công sức, vất vả hơn chăm sóc những đối tượng khác. Tuy vậy, bằng tấm lòng của mình, lãnh đạo và nhân viên Trung tâm luôn hết lòng với các cụ, xem đây là công việc nhân đạo, nhân văn”.
Song song với đó, Phòng khám, chữa bệnh Chữ thập đỏ cũng là một trong những địa chỉ mà nhiều người nghèo, khó khăn tìm đến. Nhiệm kỳ qua, phòng khám đã khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 30 nghìn lượt người. Phòng khám có 10 giường, 2 y sĩ và 1 dược sĩ phụ trách khám bệnh, châm cứu, chiếu tia laser, cấp thuốc đông y miễn phí cho người nghèo. Đối với những người khó khăn, phòng khám chỉ thu tiền bằng 50% so với bên ngoài để mua lại các vật tư y tế tiêu hao nhằm duy trì hoạt động. Phòng khám chủ yếu hoạt động từ thiện, bằng nguồn xã hội hóa.
Y sĩ Nguyễn Thị Thiên Hà có 24 năm gắn bó với phòng khám chia sẻ: “Anh chị em làm việc trên tinh thần tình nguyện hỗ trợ cộng đồng, chứ không đặt nặng vấn đề thu nhập. Khi giúp đỡ người nghèo, khó khăn, chúng tôi cảm thấy vui, hạnh phúc vì mình làm việc có ích. Tôi gắn bó với phòng khám này như một cái duyên nên chừng nào còn sức khỏe tôi sẽ tiếp tục cống hiến vì cộng đồng”.
Được biết, trong nhiệm kỳ 2017-2022, giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân của các cấp Hội Chữ thập đỏ đạt hơn 3.189 tỷ đồng, số người khó khăn được trợ giúp là hơn 40,8 triệu lượt người. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, quan điểm và định hướng hoạt động của Hội là hướng về cơ sở, ưu tiên vùng nghèo, đối tượng nghèo, các đối tượng chính sách trong xã hội, để hỗ trợ, giúp đỡ nâng cao năng lực cộng đồng, hỗ trợ các chương trình phát triển bền vững gắn với cải thiện nâng cao sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Do đó, thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình huống khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh và các sự cố nghiêm trọng), thí điểm triển khai các hoạt động hỗ trợ tâm lý và tư vấn sức khỏe tại cộng đồng; củng cố, chuẩn hóa, phát triển bền vững và quản lý tốt các trạm, điểm sơ cấp cứu Chữ thập đỏ và đội tình nguyện viên sơ cấp cứu tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí ở những địa bàn có nhu cầu, nhất là trong tình huống khẩn cấp, các địa bàn sau thiên tai; củng cố các cơ sở khám, chữa bệnh nhân đạo của Hội; đồng thời, lồng ghép các hoạt động vận động hiến máu với tuyên truyền về hiến mô, bộ phận cơ thể người.