Tiếp tục nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong thời kỳ mới

NDO -

Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã phải đóng vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp nông thôn. Hợp tác xã phải hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, xanh, bảo vệ môi trường và chú trọng vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, chứ không nên chỉ chú trọng vào số lượng.

Hội nghị tổng kết Nghị quyết 13 về nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Hội nghị tổng kết Nghị quyết 13 về nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Sáng 19/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ NN và PTNT cho biết, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW, kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp có nhiều chuyển biến khá, nhiều mô hình HTX trong nông nghiệp phát triển đa dạng, phù hợp với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. 

Đến nay, cả nước có khoảng 34.871 tổ hợp tác (THT), 18.327 HTX với 3,2 triệu thành viên. Thu nhập bình quân hằng năm của người lao động trong HTX tăng từ 4,5 triệu đồng (năm 2001) lên 36,7 triệu đồng (năm 2021). Các HTX hoạt động đa dạng trong cung ứng, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân; theo đó từng bước mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. 

Đến nay có 97,7% các HTX nông nghiệp đăng ký lại và chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Từ năm 2002 đến nay đã giải thể, sáp nhập 4.500 HTX yếu, kém, ngừng hoạt động. Tổng kinh phí các tỉnh, thành phố hỗ trợ trực tiếp cho phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước 20 năm qua khoảng hơn 8.179 tỷ đồng. 

Bên cạnh những kết quả đạt được về KTTT, HTX vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập như công tác tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 13 còn chậm, có nơi còn mang tính hình thức, chất lượng và hiệu quả không cao. Công tác quản lý nhà nước đối với HTX còn bị chồng chéo. Một số cấp, ngành có xu hướng ỷ lại, bỏ sót nhiệm vụ; lực lượng quản lý nhà nước về KTTT, HTX hiện chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý, nhiều cán bộ chưa chuyên sâu. Số lượng HTX thành lập mới tăng mạnh, nhưng số HTX hoạt động có hiệu quả còn thấp, không bền vững. Các dịch vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, số lượng các HTX có khả năng liên kết hiệu quả với doanh nghiệp, chế biến và tiêu thụ nông sản cho thành viên HTX và nông dân chưa nhiều, mới chỉ đạt khoảng 24% tổng số HTX.

Bộ trưởng NN và PTNT Lê Minh Hoan cho biết: Hiện nay, các HTX đóng góp nhiều trong chuỗi liên kết sản xuất, với vai trò là cầu nối giữa bà con nông dân với các doanh nghiệp. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới sẽ không thành công nếu thiếu sự tham gia của các HTX.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng KTTT, kinh tế HTX phải đóng vai trò chủ lực trong phát triển nông nghiệp nông thôn. HTX phải hướng tới mục tiêu sản xuất sạch, xanh, bảo vệ môi trường. Thực tế những nông sản sạch của các HTX thường rất dễ tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị lớn. Chúng ta nên chú trọng vào chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX chứ không nên chỉ chú trọng vào số lượng. Hầu hết các HTX phải có chỗ đứng cung ứng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để nâng cao hoạt động của các HTX nông nghiệp, trong thời gian tới, Bộ NN và PTNT sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực cho các HTX. 

Đồng thời, cần nghiên cứu về chính sách về đất đai, dồn điền đổi thửa để hình thành cánh đồng lớn qua đó tập trung đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. 

Bên cạnh đó, cần tháo gỡ chính sách về tài chính, tín dụng trong HTX, cần xem xét việc thành lập quỹ tín dụng nội bộ của HTX, bởi quỹ tín dụng này rất cần thiết đối với hoạt động của các HTX trong việc giải quyết gấp vốn đầu tư, sản xuất. 

Tiếp tục phát triển HTX nông nghiệp theo hướng đa mục tiêu, tham gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực. 

Đồng thời, trong thời gian tới cũng cần ban hành nghị quyết mới, sửa đổi luật HTX năm 2012 cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh mới.