Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Thủy đạc Việt Nam dự và chủ trì hội nghị; cùng dự có đồng chí Trịnh Đức Hải, phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao; Đại tá Nguyễn Văn Bách, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Ủy ban Thủy đạc Việt Nam; đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Giao thông vận tải; Thủ trưởng các cơ quan Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân.
Thành lập Ủy ban và Văn phòng Thủy đạc Việt Nam
Giai đoạn 2015-2024, được sự quan tâm và chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy ban Thủy đạc Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Các dự án, đề án đều có ý nghĩa quan trọng, có giá trị đối với quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế nói chung và ngành thủy đạc Việt Nam nói riêng.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình: Tiếp tục nâng cao năng lực ngành thủy đạc Việt Nam. |
Nổi bật là “Dự án Khảo sát, đo đạc, thu thập số liệu trên thực địa và xây dựng Hồ sơ đặt tên các thực thể ngầm dưới biển ở khu vực Biển Đông”. Đây là dự án quan trọng mang tầm Quốc gia có ý nghĩa về mặt chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển, đảo của Việt Nam tuân theo công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Ngay từ khi gia nhập Ủy ban Thủy đạc quốc tế (IHO), Ủy ban Thủy đạc Việt Nam (VHO) đã tích cực, chủ động tham gia các nội dung, chương trình hợp tác quốc tế về thủy đạc trong khuôn khổ của IHO và Ủy ban Thủy đạc Đông Á (EAHC); tổ chức đàm phán và ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực thủy đạc với các cơ quan thủy đạc tiên tiến, phát triển, qua đó khẳng định khả năng và năng lực của mình để đóng góp tích cực, hiệu quả và có trách nhiệm vào các vấn đề an ninh, bảo đảm an toàn hàng hải của khu vực và thế giới.
Lễ thượng cờ Việt Nam tại Tổ chức Thủy đạc thế giới
Điểm sáng trong hợp tác với Na Uy về phân phối hải đồ điện tử của Việt Nam trên thị trường thế giới, từ năm 2022 đến nay, bình quân mỗi năm có hơn 160.000 lượt giao dịch/32 mảnh hải đồ điện tử trên thị trường thế giới. Các sản phẩm hải đồ điện tử của Việt Nam được công nhận, lưu hành và sử dụng trên thế giới là minh chứng thực tế và rõ ràng nhất trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển Việt Nam đang quản lý; đồng thời, thông qua các chương trình hợp tác để nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam.
Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận, đánh giá kết quả, chỉ ra những điểm hạn chế, nguyên nhân và đề ra các giải pháp, phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới của công tác thủy đạc Việt Nam.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao những kết quả và thành tích đạt được của Ủy ban Thủy đạc Việt Nam trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu thời gian tới Ủy ban Thủy đạc Việt Nam tiếp tục triển khai, phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành thực hiện tốt “Đề án nâng cao năng lực ngành thủy đạc Việt Nam đến năm 2035, định hướng đến năm 2045”.
Hoàn thiện tổ chức, biên chế cơ quan chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ có liên quan của Văn phòng Ủy ban Thủy đạc Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng Bộ Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật về lĩnh vực Thủy đạc của Việt Nam phù hợp Tiêu chuẩn của quốc gia và quốc tế; nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao, thông thạo ngoại ngữ, tin học, được đào tạo và cấp đầy đủ các chứng chỉ của IHO; đủ năng lực trao đổi kỹ thuật và tham gia hội nhập thủy đạc khu vực và quốc tế.
Ngành thủy đạc tiếp tục làm tốt nhiệm vụ khảo sát, đo đạc và nghiên cứu biển, tìm kiếm cứu nạn kết hợp trinh sát trên biển và tham gia hội nhập quốc tế. |
Đầu tư hệ thống trang thiết bị, phần mềm, phương tiện hiện đại, đồng bộ đạt tiêu chuẩn IHO, phục vụ nhiệm vụ khảo sát, đo đạc và nghiên cứu biển, tìm kiếm cứu nạn kết hợp trinh sát trên biển và tham gia hội nhập quốc tế. Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu không gian biển quốc gia; hệ thống hải đồ giấy, hải đồ điện tử trong vùng biển Việt Nam và vùng biển liền kề ở các loại tỷ lệ theo tiêu chuẩn của IHO đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cả trong nước và quốc tế về thủy đạc Việt Nam.
Tham gia tích cực vào các hoạt động trong khuôn của IHO, EAHC; đẩy mạnh việc hợp tác trong huấn luyện đào tạo, chuyển giao công nghệ trong triển khai các bản thỏa thuận với cơ quan thủy đạc các nước đạt hiệu quả, thực chất.