Cuộc chiến thầm lặng ở nơi chiến trường xưa

Tiếp tục hành trình tri ân vì những món “nợ” ân tình

NDO - Hành trình thầm lặng của Đội K51 gian nan, vất vả kể cả hiểm nguy đến tính mạng được đền bù là những lần tìm được hài cốt các liệt sĩ đưa về với quê hương, đất nước. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của cán bộ, chiến sĩ toàn đội… Nhưng vẫn còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập là nỗi đau canh cánh, là món “nợ” ân tình mà anh em cán bộ, chiến sĩ toàn Đội K51 luôn trăn trở.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trần Đức Thi cùng thành viên Đội K51 đào tìm mộ em trai Liệt sĩ Trần Huy Luận.
Ông Trần Đức Thi cùng thành viên Đội K51 đào tìm mộ em trai Liệt sĩ Trần Huy Luận.

13 lần đi tìm mộ em trai

Ông Trần Đức Thi, sinh năm 1947 ở Hà Nam, thương binh hạng 2/4 nhập ngũ tháng 5/1967 ở đơn vị Đoàn 60, Binh chủng đặc công (F305), vào Nam ở Tiểu đoàn đặc công 405, QK5, chiến đấu ở chiến trường B3 - Tây Nguyên. Em trai ông là Trần Huy Luận, sinh năm 1953, nhập ngũ năm 1971, cùng chiến đấu rất gần nhau nhưng hai anh em không hề hay biết.

Sau ngày giải phóng trở về, ông Thi mới biết em trai mình đã nằm lại ở chiến trường nơi mình từng chiến đấu. Theo thông tin do Ban chính sách Quân đoàn 3 thông báo cho gia đình, ông Luận hy sinh ngày 29/1/1975 được an táng tại tọa độ 84 - 64 bản Tung Thang 2 - Tây Nguyên (nay thuộc thôn 1, xã Ea Vy, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) cùng với 5 đồng chí khác.

Từ năm 2017 đến năm 2021, ông Thi đã 12 lần lặn lội từ Hà Nam vào địa điểm trên để tìm mộ em trai. Ông tập trung tìm kiếm ở xã Cư Mốt và thôn 1, xã Ea Vy, huyện Ea H’leo. Rất nhiều thông tin được các cựu chiến binh và người dân cung cấp mang đến rất nhiều hy vọng nhưng rồi lại rơi vào thất vọng.

Trở lại Tây Nguyên vào những ngày cuối tháng 6/2022, đã là lần thứ 13, ông Thi mang theo cả lời trăng trối của cha, mẹ trước khi nhắm mắt: “Con phải tìm bằng được em trai đưa nó về quê hương, về với ông bà tổ tiên, về với cha mẹ…!”.

Ông Thi nói trong nước mắt: “Năm nay tôi đã 76 tuổi, lại là thương binh nặng, gom góp bao nhiêu năm trời được số tiền 200 triệu đồng, chỉ mong tìm được em đưa về cho cha mẹ dưới suối vàng yên lòng...”.

Đích thân Đội trưởng Đội K51, Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm chỉ huy cán bộ chiến sĩ xuống trước một tháng khảo sát, xác định vị trí, đánh dấu tọa độ, cắt cử người đi thu thập thêm thông tin từ các cựu chiến binh và người dân ở các khu vực lân cận.

Ông Thi trở lại Tây Nguyên lần này kết hợp cùng anh em Đội K51 xác định lại vị trí, tọa độ và tiến hành đào, tìm kiếm… đã đào tới hố thứ 3 rồi nhưng chưa tìm thấy dấu vết. Công việc vẫn đang tiến hành hết sức khẩn trương, nhưng cũng hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, bảo đảm không bỏ sót bất cứ một hiện vật nào cho dù là nhỏ nhất có thể thông báo về vị trí các liệt sĩ đang nằm.

Ông Thi cho biết: “Những ngày qua, được sự đón tiếp, hỗ trợ, giúp đỡ, cùng ăn, cùng ở, cùng đến hiện trường đào bới, tìm kiếm với cán bộ, chiến sỹ Đội K51 của tỉnh Đắk Lắk, tôi luôn được chăm lo chu đáo, tạo mọi điều kiện giúp đỡ và an ủi động viên nên cũng đỡ phần thương xót. Tôi biết ơn các anh rất nhiều! Công việc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục, hy vọng trong những ngày tới tôi sẽ có tin vui về em của mình…”.

Theo Thượng tá Trịnh Ngọc Kiệm, việc tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ hy sinh trước năm 1975 vô cùng khó khăn, có thể ví như mò kim đáy bể. Bởi, thời gian đã quá lâu, mọi dấu tích xưa phần bị thời gian xóa nhòa, phần bị người dân canh tác, cày cấy, san ủi, xây dựng, làm kinh tế… “Trường hợp tìm kiếm 6 liệt sĩ tại thôn 1 xã Ea Vy lần này, trong đó có liệt sĩ Luận, em trai bác Thi cũng không ngoại lệ. Bác Thi từng chiến đấu trực tiếp ở đây nhưng đã 12 lần đến rồi trở về không. Chúng tôi rất thấu hiểu, rất xót xa nên tất cả anh em trong đội đều dốc lòng, dốc sức; khó khăn, gian khổ đến mấy cũng không ngại, chỉ mong tìm đưa được các liệt sĩ trở về gia đình…”- Thượng tá Kiệm xác định.

Tiếp tục hành trình tri ân vì những món “nợ” ân tình

Theo thống kê của Đội K51, nhiều thông tin từ người dân và sơ đồ các đơn vị cung cấp địa điểm, khu vực còn hài cốt liệt sĩ Việt Nam tại Mondulkiri (Campuchia) như: Khu vực Ô Răng còn khoảng 32 mộ chưa được quy tập theo thông tin và hồ sơ ngành chính sách của F10, Quân đoàn 3 cung cấp. Khu vực suối Ô Thu, Ô Ki, huyện Keosama còn 4 mộ chưa tìm thấy. Khu vực cửa khẩu Bu Prăng và dọc biên giới 2 huyện Tuy Đức (Việt Nam) và Ô Răng (Campuchia) còn khoảng 107 mộ chưa quy tập theo thông tin và hồ sơ ngành chính sách của F10, Quân đoàn 3 cung cấp. Khu vực núi Nậm Nia, huyện Bátchanđa theo các nguồn tin còn 1 bãi mộ khoảng 50-60 mộ chưa được quy tập. Khu vực núi Giang Bo giữa huyện Bátchanđa và Cô Nhéc theo các nguồn tin còn 1 bãi mộ khoảng 30-40 mộ chưa được quy tập…

Được biết, các khu vực mộ nói trên, trong các mùa khô đơn vị K51 đã tổ chức nhiều lần vào vị trí theo nguồn tin để đào xẻ tìm kiếm nhưng chưa có phát hiện gì. “Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nhiệm vụ, vừa là món “nợ” ân tình để trong thời gian đến đơn vị tiếp tục tổ chức lực lượng vào các khu vực nói trên tìm kiếm, sớm quy tập các liệt sĩ hồi hương về với Tổ quốc” - Đội trưởng Đội K51 ưu tư.