Xã luận:

Tiếp tục đà phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc

Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, từ ngày 25 đến 28/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF, được tổ chức tại Thiên Tân, Trung Quốc. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Quốc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính và là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau bảy năm.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Hơn 70 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 18/1/1950, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì đà phát triển với dòng chảy chính là hữu nghị và hợp tác. Hai nước đã xác lập khuôn khổ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước trong giai đoạn mới, củng cố tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất, toàn diện, cũng như tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc; kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm một phần tư tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN. Tình hình biên giới trên đất liền và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định. Tình hình Biển Đông có diễn biến phức tạp mới, song trong tầm kiểm soát. Hai bên duy trì cơ chế trao đổi, đàm phán về vấn đề trên biển.

Hợp tác giữa Việt Nam và WEF phát triển tốt đẹp. WEF và Giáo sư Klaus Schwab coi trọng và đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Việc tăng cường hợp tác, tham dự các hội nghị và phối hợp tổ chức thành công một số sự kiện của WEF góp phần giúp Việt Nam tăng thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường quan hệ với các tập đoàn toàn cầu, cũng như cập nhật xu thế mới, tư duy phát triển và quản trị tiên tiến.

Chuyến thăm tiếp tục khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; tiếp tục thực hiện và cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hội nghị WEF tại Thiên Tân do WEF phối hợp Chính phủ Trung Quốc tổ chức hằng năm. Với chủ đề “Doanh nghiệp: Động lực của kinh tế toàn cầu”, hội nghị năm nay có hơn 100 phiên họp, thảo luận các vấn đề chính, như điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng và nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, tiêu dùng sau đại dịch, ứng dụng đổi mới sáng tạo...

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo chủ chốt hai nước sau khi Trung Quốc kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước khóa mới. Chuyến thăm tiếp tục khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; tiếp tục thực hiện và cụ thể hóa kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Là dịp quan trọng để lãnh đạo hai nước trao đổi về định hướng và biện pháp cụ thể tăng cường quan hệ hai nước, chuyến thăm chuyển tải thông điệp rõ ràng và nhất quán của Việt Nam coi trọng và mong muốn quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển lâu dài, ổn định, hiệu quả và thực chất; mong muốn hai nước tiếp tục tăng cường tin cậy chính trị, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, xử lý thách thức chung, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân, địa phương...

Các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo hai nước trong chuyến thăm sẽ góp phần củng cố nhận thức chung cấp cao về kiểm soát bất đồng, tháo gỡ khó khăn, xử lý thỏa đáng các vấn đề trên biển giữa hai nước bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị WEF tại Thiên Tân lần này nêu bật thông điệp về sự tham gia, đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề chung của khu vực và toàn cầu. Các hoạt động tiếp xúc của Thủ tướng góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước và đối tác quốc tế thiết thực, hiệu quả hơn. Đây cũng là dịp tốt để quảng bá hình ảnh Việt Nam ổn định, phục hồi và tăng trưởng kinh tế tích cực, mở cửa chào đón các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khách du lịch quốc tế.

Chúc chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF tại Thiên Tân thành công tốt đẹp, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước và quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, cũng như mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và WEF, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.