Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc duy trì xu thế phát triển

Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên.
0:00 / 0:00
0:00
Chợ Vạn Chúng bán buôn hàng xuất khẩu Việt Nam tại Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc.
Chợ Vạn Chúng bán buôn hàng xuất khẩu Việt Nam tại Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10/2022) là hoạt động đối ngoại chính thức trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài cao nhất đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước bước vào giai đoạn mới, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Trong chuyến thăm, hai bên ra Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực thời gian tới; nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" và tinh thần bốn tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".

Đồng thời, hai bên đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác thực chất, như thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường", thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, mở các văn phòng thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Hai bên sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác đầu tư, kinh tế-thương mại, hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Ngoài ra, hai bên cũng thể hiện quyết tâm trong việc nỗ lực nhằm giảm bớt vấn đề mất cân bằng thương mại giữa hai nước, tìm kiếm các biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì thông quan thuận lợi.

Về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí cho rằng, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông rất quan trọng, đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trên cơ sở hiệp thương, nhất trí, sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp.

Theo đà tin cậy chính trị được tăng cường, hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước duy trì tăng trưởng. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới; kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 175 tỷ USD, chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN.

Theo Bộ Công thương Việt Nam, bốn tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc đạt 49,6 tỷ USD, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch 16,4 tỷ USD và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,2 tỷ USD; về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 752 triệu USD.