Về huyện Ðông Anh những ngày này, không khó để thấy khung cảnh sôi động từ những công trường xây dựng trên địa bàn. Dù đã hoàn thành các tiêu chí thành quận, nhưng các dự án về hạ tầng, đô thị vẫn tiếp tục được triển khai một cách khẩn trương. Ông Lê Văn Hà ở xã Xuân Canh cho biết: “Chúng tôi phấn khởi lắm và chờ đợi từng ngày để Ðông Anh chính thức trở thành quận”.
Không chỉ ông Hà mà hầu hết người dân đều bày tỏ sự vui mừng khi quê hương sắp trở thành phường, thành quận. Chẳng thế mà khi huyện Ðông Anh tổ chức lấy ý kiến về thành lập quận, cử tri đồng thuận, nhất trí cao, với tỷ lệ 99,26%. Bởi cùng với việc sẽ được “nâng cấp” tên gọi, diện mạo của địa bàn cùng với đời sống nhân dân những năm qua không ngừng được nâng lên.
Ðại diện Ủy ban nhân dân huyện cho biết, kinh tế huyện tiếp tục duy trì phát triển với tốc độ tăng trưởng khá: trung bình hơn 9%, cao hơn bình quân chung của Thủ đô là 6,01-6,38% và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025 là 7,5%. Từ năm 2020 đến nay, huyện không còn hộ nghèo, đến hết năm 2023, huyện còn 562 hộ cận nghèo và các cấp, các ngành tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ cận nghèo vươn lên; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2023 đạt 78,88 triệu đồng/người/năm, tăng 21,88 triệu đồng so với năm 2020.
Diện mạo nông thôn được thay đổi căn bản, toàn diện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan đô thị được quan tâm đầu tư theo phương châm hướng về cơ sở, lấy mục tiêu “niềm vui, hạnh phúc của người dân” để phấn đấu và đã đạt nhiều kết quả nổi bật, như: Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch qua hệ thống tập trung và được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh tăng từ 55% lên 100%; đất cây xanh công cộng trên địa bàn bình quân đầu người tăng từ 4 m2/người lên 10,1 m2/người; tỷ lệ đường được chiếu sáng tăng từ 90% lên 100%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia mức độ 1 tăng từ 70,1% lên 93,6%, mức độ 2 tăng từ 6,3% lên 36,4% …
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ðông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, ngay từ khi xây dựng Ðề án thành lập quận, huyện đã xác định năm khó khăn, thách thức đó là: con người, văn hóa, kết nối giữa các thôn, làng với các khu đô thị mới, phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo đảm an sinh cho người dân sau giải phóng mặt bằng. Ðể giải quyết những vấn đề này, Ðông Anh đã có cách làm riêng, khoa học, bài bản khi xây dựng 15 Ðề án thành phần để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh Nguyễn Anh Dũng, huyện đã tích hợp bộ tiêu chí huyện lên quận và bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao với 12 nhóm tiêu chí, 36 chỉ tiêu cụ thể, cho nên quá trình thực hiện không lãng phí nguồn lực đầu tư. Hơn nữa, huyện coi trọng công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chủ động tham gia vào xây dựng nông thôn mới; quá trình thực hiện có sự kiểm tra sâu sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau”, khi nhân dân thấy hiệu quả, sẽ có trách nhiệm trong quá trình thực hiện. Nổi bật là huyện đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề với tiêu chí “5 có, 3 không” (5 có gồm có quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị theo tỷ lệ 1/500 đối với các xã nằm trong khu vực đã có quy hoạch phân khu đô thị, các xã nằm ngoài khu vực quy hoạch phát triển đô thị thì phải hoàn thành quy hoạch trung tâm xã tỷ lệ 1/500; có nhà văn hóa, có công viên mi-ni, các điểm sinh hoạt cộng đồng; có sân bóng đá cho thanh, thiếu niên; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh và 3 “không” là: Không vi phạm quy định về quản lý và sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường; không có hộ nghèo). Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện, hàng trăm ao, hồ được kè lại khang trang, nhiều công viên, nhà văn hóa đi vào hoạt động phục vụ thiết thực cho việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Theo Thường trực Huyện ủy Ðông Anh, đối với các tiêu chí đã đạt, huyện yêu cầu các cơ quan thường trực thường xuyên thực hiện rà soát, kịp thời cập nhật vào các chương trình, đề án, kế hoạch để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Thời gian tới, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, hiện đại hóa hạ tầng, huyện sẽ tập trung đầu tư tốt hơn nữa cho giáo dục.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, chủ trương của huyện trong những năm qua là dành sự quan tâm đầu tư số 1 cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hiện tại toàn bộ trường học mới trên địa bàn huyện đều được xây dựng theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Các trường học còn lại đều được cải tạo, nâng cấp bảo đảm đạt chuẩn. “Toàn huyện có 93,6% số trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó có 36,4% số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đứng trong tốp đầu của thành phố; bảy trường được xây dựng theo định hướng mô hình trường công lập chất lượng cao”.
Hiện tại, Ủy ban nhân dân huyện đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án: Cải tạo, nâng cấp Trường trung học phổ thông Cổ Loa; cải tạo, nâng cấp Trường trung học phổ thông Vân Nội; cải tạo, nâng cấp Trường trung học phổ thông Bắc Thăng Long (đã được thành phố dự kiến bố trí kế hoạch vốn giai đoạn 2023-2025). Dự án cải tạo, nâng cấp Trường trung học phổ thông Ðông Anh dự kiến khởi công trong quý III/2024 và hoàn thành trong quý II/2025, sau khi hoàn thành đủ điều kiện trình cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.