Tiếp lửa cho người giữ rừng Tây Nguyên

Rừng Tây Nguyên đang bị xâm hại nghiêm trọng. Qua những vụ phá rừng thời gian gần đây cho thấy mức độ, quy mô và đối tượng vi phạm đều gia tăng. Ðiều đáng lo ngại là ngoài mục đích khai thác gỗ thì việc phá rừng còn để lấn chiếm đất lâm nghiệp, gây nên những bất ổn về mặt xã hội, đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sớm có biện pháp hữu hiệu nhằm giữ gìn, bảo vệ rừng.

0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Ðắk Lắk tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Ðắk Lắk tuần tra bảo vệ rừng.

Bài 1: Áp lực nặng nề

Diện tích rừng giảm mạnh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2010 toàn vùng Tây Nguyên có 2.747.118ha đất có rừng; trong đó 2.526.804ha rừng tự nhiên. Ðến năm 2020, diện tích đất có rừng toàn vùng là 2.574.253ha, rừng tự nhiên 2.115.473ha. Như vậy, sau 10 năm, diện tích rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên giảm 411.331ha. Các tỉnh có tỷ lệ độ che phủ rừng thấp như Ðắk Nông đạt 38,06%; Ðắk Lắk đạt 38,75%... Theo báo cáo mới đây của Chi cục Kiểm lâm vùng IV (đơn vị quản lý bảo vệ rừng 11 tỉnh thuộc khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên), năm 2021, tại năm tỉnh Tây Nguyên xảy ra 1.504 vụ khai thác rừng và phá rừng; riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn vùng xảy ra 107 vụ phá rừng. Ðáng nói, không chỉ giảm về diện tích, mà rừng Tây Nguyên còn suy giảm về trữ lượng. Ðến nay, hơn 70% diện tích rừng tự nhiên ở khu vực này là rừng nghèo kiệt.

So sánh từng địa phương trong vùng cho thấy, năm 2004-thời điểm thành lập tỉnh, Ðắk Nông có tổng diện tích đất lâm nghiệp là 415.860,40ha; trong đó, đất có rừng là 369.954,7ha; tỷ lệ che phủ rừng 56,7%, thì đến năm 2021, tổng diện tích đất lâm nghiệp chỉ còn lại là 329.518,1ha, giảm 86.342ha. Ðắk Lắk có diện tích đất có rừng 501.206ha, trong đó có 227.906,3ha rừng đặc dụng, 75.090ha rừng phòng hộ và 430.632ha rừng sản xuất. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðắk Lắk, trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng kiểm lâm phát hiện, lập hồ sơ xử lý 773 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng 109 vụ so cùng kỳ năm 2021. Tại Gia Lai, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 35 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích hơn 23,5 ha, tăng 12 vụ so cùng kỳ năm 2021. Tại Lâm Ðồng, từ năm 2018 đến tháng 6/2022, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 1.067 vụ phá rừng; diện tích rừng bị thiệt hại hơn 223 ha.

Quá nhiều áp lực cho người giữ rừng

Nói đến rừng và việc giữ rừng, không thể không nói đến lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức ở các chi cục kiểm lâm, các ban quản lý bảo vệ rừng... Theo thống kê tại Tây Nguyên, bình quân mỗi nhân viên quản lý, bảo vệ rừng được giao quản lý từ 1.000 đến 1.200ha rừng, đất rừng. Tuy nhiên, có một thực trạng rất đáng lo ngại là số kiểm lâm viên và nhân viên quản lý bảo vệ rừng ở các tỉnh Tây Nguyên gần đây xin nghỉ việc khá nhiều gây nên những xáo trộn cho các đơn vị được giao nhiệm vụ giữ rừng. Nguyên nhân của tình trạng nhiều người giữ rừng xin nghỉ việc là do cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa cụ thể; địa bàn quản lý rộng lớn, phức tạp; điều kiện làm việc, sinh hoạt, đi lại khó khăn; quyền hạn thấp, trách nhiệm cao, công việc vất vả, nhiều áp lực, thu nhập không bảo đảm đời sống cho bản thân, gia đình.

Từ năm 2016 đến nay có đến hàng trăm cán bộ, nhân viên thuộc các đơn vị như hạt kiểm lâm, ban quản lý rừng; các dự án lâm nghiệp… ở Ðắk Lắk xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. "Theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt thì Chi cục Kiểm lâm Ðắk Lắk có 327 công chức kiểm lâm, nhưng hiện nay chỉ mới có 216 công chức; các hạt kiểm lâm huyện thiếu từ 8 đến 10 công chức so với nhu cầu thực tế. Do đó, có những trường hợp 1 kiểm lâm phải kiêm nhiệm từ 5 đến 6 xã với diện tích hàng chục nghìn héc-ta rừng, gây áp lực rất lớn", Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Ðắk Lắk Nguyễn Quốc Hưng cho biết.

Trên địa bàn Ðắk Nông, 5 năm qua, có 344 người bảo vệ rừng nghỉ việc, bỏ việc. Hiện nay nguồn thu nhập bình quân của lực lượng quản lý bảo vệ rừng tại Ðắk Nông khoảng 5-7 triệu đồng/người/tháng, không đủ trang trải sinh hoạt cho cá nhân và gia đình. Trong khi đó, tỉnh Lâm Ðồng có 96 viên chức, người lao động xin nghỉ việc; tỉnh Kon Tum có 74 người nghỉ việc; tỉnh Gia Lai, từ năm 2018 đến năm 2021 có 25 nhân viên quản lý, bảo vệ rừng nghỉ việc.

Ngoài những khó khăn, vất vả đã nêu, những năm gần đây lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng còn thường xuyên bị các đối tượng lâm tặc hành hung, uy hiếp. Như vụ việc anh Lại Tấn Tài, 32 tuổi, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) bị hành hung và đe dọa đến tính mạng của cả gia đình. Anh Tài cho biết: "Ngày 10/4, đơn vị tôi phối hợp tổ quản lý, bảo vệ rừng của xã đi tuần tra. Khi phát hiện hành vi phá rừng lấn chiếm đất, chúng tôi yêu cầu dừng lại liền bị hai đối tượng dùng gậy đánh vào đầu bị thương phải nằm viện; sau đó, đối tượng còn thường xuyên gọi điện đe dọa".

Việc bị các đối tượng phá rừng hành hung, gây thương tích cho lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng không phải là ít. Có thể kể ra đây những vụ điển hình: Ngày 8/8/2016, trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng tại khu vực xã Mê Linh, huyện Lâm Hà (Lâm Ðồng), hai cán bộ Ban Quản lý rừng Phòng hộ Nam Ban là hai anh Nguyễn Ái Tĩnh và Tân Khoa, cùng anh Triệu Vũ Hiệp, Phó Trưởng ban Lâm nghiệp UBND xã Phi Tô, đã bị một số đối tượng dùng hung khí tấn công khiến anh Tĩnh chết tại chỗ, anh Khoa và anh Hiệp bị thương nặng. Ở tỉnh Kon Tum, vào ngày 14/4/2022, hai đối tượng đi xe máy mang theo súng và mã tấu đến Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ðăk Pxi trực thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðăk Hà đe dọa, hành hung viên chức trạm, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhân viên của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ðăk Hà.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ðắk Lắk, từ năm 2015 đến 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 vụ lâm tặc chống người thi hành công vụ, làm 11 kiểm lâm viên bị thương. Anh Võ Ðức Minh, người đã gắn bó 20 năm với công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô có đến 10 lần bị lâm tặc vây hãm, tấn công; 3 lần bị lâm tặc tấn công để giải thoát đồng bọn và cướp tang vật. "Do áp lực công việc và những mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, nhiều lúc tôi cũng muốn xin nghỉ tìm một công việc khác an toàn hơn. Nhưng được lãnh đạo và anh em trong đơn vị động viên cho nên tôi quyết định ở lại cùng nhau bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên còn lại cho đất nước", anh Minh chia sẻ.

(Còn nữa)