Gặt hái nhiều thành quả trong nghiên cứu khoa học ở lĩnh vực nông nghiệp nhưng ít ai biết, Tiến sĩ Hà đến với ngành rất tình cờ. “17 tuổi, tôi lựa chọn Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) làm nơi học tập chỉ bởi ngôi trường có những hồ nước, vườn táo rất đẹp, nhiều sân thể thao. Tôi mang tinh thần đó bước vào ngành học được xem là khó nhất - công nghệ sinh học”, tiến sĩ Hà kể.
Tuy nhiên, khi theo học, anh Hà dần nhận ra niềm đam mê với nghiên cứu khoa học. Nỗ lực ngay từ lúc còn là sinh viên đã giúp anh được công tác tại nhóm nghiên cứu xuất sắc của tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy tại bộ môn Sinh học phân tử, Viện Di truyền Nông nghiệp. Năm 2014, anh theo học nghiên cứu sinh ngành Công nghệ sinh học tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Dưới sự hướng dẫn, dìu dắt và định hướng của các anh chị đi trước, tiến sĩ Hà càng dành nhiều tình yêu cho ngành Công nghệ sinh học. Năm 2019, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, khi đã có ba tấm bằng đại học chính quy.
Thời gian công tác tại Viện Di truyền nông nghiệp, được tiếp xúc với môi trường khoa học chuyên nghiệp, được làm việc với các đồng nghiệp xuất sắc giúp anh có cơ hội học hỏi và sáng tạo. Ðó cũng là cơ duyên đưa anh đến với việc nghiên cứu, cải tiến một số giống lúa ứng phó biến đổi khí hậu. Hiện, anh là đồng tác giả của năm giống lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu được công nhận cấp quốc gia; đoạt bốn bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích quốc gia. Trong đó có ba bằng độc quyền sáng chế quốc gia, một bằng độc quyền giải pháp hữu ích quốc gia. “Chúng tôi đã cải tiến giống lúa sản xuất, vốn rất mẫn cảm với các yếu tố môi trường bất lợi, bằng kỹ thuật tích hợp gien. Chúng tôi đã tạo ra dòng, giống mới, giữ đặc tính nền, năng suất cao và tăng cường khả năng chống chịu, phù hợp với những địa phương chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt”, Tiến sĩ Hà cho biết. Trong đó, giống lúa SHPT3 của anh Hà và nhóm nghiên cứu đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống chính thức, cho sản xuất tại các tỉnh phía bắc. Giống lúa HL5 cũng đã được đưa vào sản xuất. Nhóm nghiên cứu còn triển khai lai tạo những dòng lúa ưu tú tích hợp đa gien kháng (ngập + mặn, đạo ôn + bạc lá + rầy nâu).
Tình yêu với khoa học là động lực để Tiến sĩ Hà miệt mài lao động. Ở tuổi 35, anh là tác giả chính của 26 bài báo khoa học được đăng tại các tạp chí uy tín quốc tế (thuộc danh mục WoS/Scopus); 137 bài báo trong nước thuộc danh mục tạp chí được tính điểm của Hội đồng chức danh phó giáo sư, giáo sư nhà nước. Anh biên soạn một giáo trình đào tạo và xuất sắc giành giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2022.
Tiến sĩ Hà cho rằng, đề tài nghiên cứu khoa học chỉ thật sự ý nghĩa khi giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang gặp phải. Muốn làm được nghiên cứu, trước tiên nhà khoa học cần có một sức bền trong việc trau dồi tri thức. Nghiên cứu khoa học nông nghiệp cần tiếp cận tổng thể và toàn diện, gắn chặt với các yếu tố văn hóa, xã hội và xu thế phát triển bền vững, cũng như tư duy toàn cầu mới có thể tạo ra kết quả nghiên cứu đa giá trị. Ngoài nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Hà truyền lửa đam mê đến các thế hệ sinh viên tại Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường đại học Công nghệ, Ðại học Quốc gia Hà Nội. Anh luôn chủ động học tập, nâng cao trình độ, nhất là dấn thân, bước ra khỏi vùng an toàn để trở thành tấm gương cho sinh viên noi theo.