Tiến sĩ trẻ nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới

Phát minh thuốc điều trị HIV mới, thực hiện các công trình phát triển chất thay thế kháng sinh mới hứa hẹn cho ra đời những sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”… là hai trong số rất nhiều thành tích của TS Trương Thanh Tùng (sinh năm 1989), Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Đại học Phenikaa (Hà Nội).
0:00 / 0:00
0:00

Tốt nghiệp trung học phổ thông, vì yêu thích môn Hóa học và Sinh học, TS Trương Thanh Tùng muốn lựa chọn các ngành có thể ứng dụng kiến thức của hai môn học này. Lúc đó anh đứng trước hai lựa chọn, ngành y hoặc ngành dược.

“Với suy nghĩ đơn giản, học y có thể cứu được một vài người theo từng ca bệnh, còn học dược nếu thành công, có thể cứu được nhiều, thậm chí rất nhiều người cùng lúc. Chính vì vậy, tôi chọn theo học ngành dược học của Trường đại học Dược Hà Nội”, anh Tùng chia sẻ.

Ngay khi là sinh viên Trường đại học Dược Hà Nội, anh Tùng đã mải mê với những công trình nghiên cứu. Tốt nghiệp, anh lên đường du học thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Seoul-Hàn Quốc, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Đan Mạch, rồi sang Mỹ làm trợ lý giáo sư tại Đại học Pittsburgh nhằm mở mang tầm nhìn, hiểu biết về nền khoa học thế giới.

Nhớ lại quãng thời gian đó, TS Trương Thanh Tùng cho biết, khó khăn nhất với anh là giai đoạn bốn tháng đầu học thạc sĩ Hóa dược tại Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc, khoảng năm 2012.

Thời gian đó, có những hôm, anh phải làm việc tại phòng thí nghiệm từ sáng sớm hôm trước đến 1-2 giờ sáng hôm sau. Việc làm việc vào cuối tuần là hoàn toàn bình thường. Do chưa quen với nhịp độ công việc cho nên nhiều lúc anh muốn bỏ cuộc.

Tuy nhiên, sau này anh nghiệm lại và nhận ra đó lại chính là nền tảng giúp bản thân có thêm bản lĩnh, rắn rỏi để thích nghi với các môi trường khắc nghiệt ở những quốc gia khác. Trải qua 8 năm học tập, làm việc tại nhiều nước, anh Tùng tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học.

Anh Tùng cũng nhận được nhiều lời mời làm việc với mức đãi ngộ hấp dẫn ở các quốc gia. Tuy nhiên, cuối năm 2019, anh quyết định trở về Việt Nam và chọn Trường đại học Phenikaa làm điểm dừng chân. Anh lập ra nhóm nghiên cứu thuốc mới và trực tiếp làm trưởng nhóm.

Hiện anh Tùng và nhóm nghiên cứu là những người đầu tiên đi theo con đường tổng hợp thuốc. “Khát vọng lớn nhất của tôi và nhóm nghiên cứu là trong tương lai Việt Nam sẽ làm chủ quy trình từ nghiên cứu, phát triển, tổng hợp sản xuất được các loại thuốc. Nước ngoài sẽ phải đến đất nước chúng ta để mua bản quyền sản xuất thuốc”, anh Tùng chia sẻ.

TS Trương Thanh Tùng cho biết thêm, hiện trên thế giới, nhiều công ty dược và nhóm nghiên cứu chủ yếu tập trung vào những căn bệnh mang lại nguồn lợi kinh tế lớn như ung thư, alzheimer, đái tháo đường,… không đầu tư nhiều cho các bệnh truyền nhiễm. Hậu quả là thế giới không kịp trở tay khi đại dịch bệnh truyền nhiễm như Covid-19, Ebola… bùng phát.

Nhóm nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng được xem là nhóm nghiên cứu duy nhất tại Việt Nam đi theo hướng “quorum sensing” (như là một quá trình giao tiếp của vi khuẩn) để tìm thuốc mới thay thế kháng sinh.

Anh và nhóm đã có 10 công bố khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế nghiên cứu các chất mới thay thế kháng sinh. Các chất mới đã mở ra hướng điều trị mới cho bệnh nhân đa kháng thuốc (kháng kháng sinh) theo hướng ức chế quorum sensing đầu tiên tại Việt Nam. Điều này hứa hẹn sớm có các sản phẩm thuốc “Make in Vietnam”.

Năm 2022, anh Tùng và nhóm có công trình mang dấu ấn quốc tế về nghiên cứu thuốc điều trị HIV mới với tiềm năng áp dụng cho lâm sàng, được thế giới đánh giá rất cao.

“Hướng nghiên cứu của tôi là làm thế nào loại bỏ toàn bộ tế bào nhiễm HIV và virus ra khỏi cơ thể. Có thể nói, các loại thuốc hiện có trên thị trường chỉ kiểm soát, loại bỏ bớt nồng độ virus trong máu, chứ chưa thể loại bỏ hoàn toàn HIV khỏi cơ thể. Điều này có nghĩa là các bệnh nhân HIV hiện nay khi sử dụng thuốc đều đặn cũng mới chỉ đạt được ngưỡng “sống, tránh lây nhiễm và cầm cự cùng HIV". Hướng nghiên cứu của tôi hướng tới mục đích điều trị hoàn toàn bệnh HIV trong tương lai”, TS Tùng cho biết.

Nổi bật nhất trong kết quả nghiên cứu của TS Trương Thanh Tùng và cộng sự là các dược chất có thể thức tỉnh virus HIV ở trạng thái “ngủ” trong tế bào, đánh dấu rồi tiêu diệt chúng.

Trước đó, năm 2014, TS Tùng cũng được Tổ chức sáng chế châu Âu (EPC) cấp bằng sáng chế quốc tế khi tìm ra dẫn chất benzothiazole có khả năng điều trị ung thư trúng đích. Hiện nhóm nghiên cứu của anh đang phát triển dẫn chất benzothiazole thành thuốc điều trị.