Tiện ích mô hình chợ 4.0 tại Hậu Giang

NDO -

Sau hơn 2 tháng triển khai, ngày 7/7, Sở Công thương và Viettel Hậu Giang tổ chức ra mắt mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Vị Thanh, thành phố Vị Thanh. Đây là một trong những bước đầu thực hiện Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 10/5/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

0:00 / 0:00
0:00
Nghi thức bấm nút chính thức ra mắt mô hình chợ 4.0.
Nghi thức bấm nút chính thức ra mắt mô hình chợ 4.0.

Với mô hình Chợ 4.0, toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Lần đầu tiên, người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa… Chỉ với 1 chiếc điện thoại trên tay, thậm chí chưa cần đến smartphone hay kết nối Internet, ai cũng có thể sử dụng Viettel Money để giao dịch không tiền mặt tại các sạp hàng và ki-ốt trong chợ.

Sau khi được tập huấn về dịch vụ thanh toán để có kỹ năng, kiến thức hướng dẫn khách hàng hiểu và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ Vị Thanh rất đồng tình hưởng ứng. Bởi họ được hướng dẫn mở tài khoản và cách sử dụng tài khoản Viettel money (tiền di động) giúp thực hiện giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và mua bán trực tuyến sử dụng trên mọi thiết bị điện thoại di động, có thể áp dụng trường hợp người dùng không có tài khoản ngân hàng.

Theo bà Phan Thị Lan, tiểu thương bán gạo tại chợ Vị Thanh, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức, giảm bớt thời gian chờ đợi thanh toán. Nếu trước đây, khi thanh toán tiền điện, tiền nước... người dân phải đến một điểm chờ đợi để nộp tiền, thì ngày nay chỉ cần ngồi ở nhà cùng một chiếc điện thoại thông minh được kết nối mạng là có thể thanh toán tiền điện, tiền nước và các dịch vụ khác.

Việc thanh toán không tiền mặt thông qua ứng dụng hoặc thẻ của ngân hàng cũng là cách để bảo đảm quá trình giao dịch an toàn hơn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, tốc độ thanh toán nhanh, xác thực một cách dễ dàng và linh hoạt; đồng thời hạn chế việc bị trộm cướp tài sản, tiền giả. Không những thế, việc thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR, ví điện tử, thẻ tín dụng… đều an toàn bởi hầu hết chúng được bảo vệ qua hệ thống ngân hàng thông qua vân tay, nhận dạng khuôn mặt, mã OTP,...

Còn bà Trần Thị Phượng, tiểu thương chợ Vị Thanh, cho biết: “Gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt khi khách hàng tới chợ sử dụng ngày càng nhiều. Có người khi mua hàng từ xa cũng đã đề nghị thanh toán trực tuyến. Nếu áp dụng rộng rãi khách hàng có nhiều lựa chọn hơn mà lại thuận lợi, nhanh chóng cho người bán”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Viettel Hậu Giang: Qua 2 tháng triển khai, phát động, đã có hơn 150 tiểu thương tại Chợ Vị Thanh và chung quanh chợ đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money và con số này vẫn gia tăng từng ngày. Việc tiêu dùng không tiền mặt đang len lỏi vào nhiều khía cạnh của đời sống và dần trở thành thói quen của người dân. Tính an toàn, tiện lợi của Viettel Money không chỉ phát huy vai trò trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19, mà còn rộng mở cánh cửa giao thương, phát triển kinh tế số cho người dân Hậu Giang trong giai đoạn bình thường mới.

Có thể nói, chợ 4.0 đã và đang tạo đà để tỉnh Hậu Giang tự tin triển khai nhân rộng mô hình này ra nhiều lĩnh vực trên toàn tỉnh. Từ đó, góp phần từng bước hiện thực hóa sứ mệnh phổ cập tài chính số và “kiến tạo số mới” thông minh hơn, hiện đại hơn. Tuy nhiên, Thiếu tá Nguyễn Trường Giang cho rằng, ban đầu triển khai phát động cũng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là vận động tiểu thương đăng ký thanh toán không dùng tiền mặt. Kết quả đến nay cũng chỉ đạt được 50% tiểu thương trong chợ làm điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code. Thói quen tiêu dùng, thanh toán bằng tiền mặt của bà con khi đi chợ rất khó thay đổi trong giai đoạn đầu triển khai.

Do đó, Viettel Hậu Giang kiến nghị các cấp lãnh đạo tỉnh, địa phương đẩy mạnh phát động toàn thể cán bộ công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia vào việc thanh toán không dùng tiền mặt tại tất cả các chợ. Tiếp tục phối hợp cùng Viettel vận động tất cả các tiểu thương trong chợ tham gia điểm chấp nhận thanh toán qua QR code không dùng tiền mặt để tất cả các chợ của Hậu Giang sẽ trở thành chợ 4.0 trong thời gian tới nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế số trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà.

Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có 72 chợ (6 chợ hạng I; 7 chợ hạng II; 59 chợ hạng III, chợ tạm và chợ đêm) và hàng chục cửa hàng tiện ích và siêu thị. Việc triển khai và áp dụng mô hình chợ 4.0 sẽ góp phần cùng tỉnh hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận những tiến bộ của khoa học công nghệ vào đời sống. Kỳ vọng với sự có mặt của mô hình chợ 4.0 sẽ mang đến môi trường số hóa tài chính đơn giản, an toàn, tiện lợi và phù hợp với mọi người dân, xóa bỏ những giới hạn và mang đến tiện ích trong giao dịch thanh toán.

"Thời gian tới, Sở Công thương cùng với Viettel Hậu Giang, VNPT Hậu Giang, lãnh đạo các địa phương sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình này tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân đi chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, thực hiện một số hoạt động hỗ trợ tiểu thương đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như VOSO, POSTMART nhằm thúc đẩy hoạt động bán hàng trên các nền tảng số, thương mại điện tử”, ông Huỳnh Thanh Phong cho biết.