Tiền Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển vào năm 2025

“Ðể hiện thực khát vọng về một Tiền Giang phát triển vào năm 2025 và những năm tiếp theo, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết tâm cao, nỗ lực lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra” - Ðó là những ý kiến mà đồng chí NGUYỄN VĂN DANH, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.
0:00 / 0:00
0:00
Ðồng chí Nguyễn Văn Danh (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến kiểm tra tình hình hạn, mặn tại Tiền Giang.
Ðồng chí Nguyễn Văn Danh (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến kiểm tra tình hình hạn, mặn tại Tiền Giang.

Phóng viên: Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, tỉnh Tiền Giang có sự phát triển khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, hầu hết các chỉ tiêu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đều được tỉnh hoàn thành tốt. Xin đồng chí cho biết những kết quả, thành tựu nổi bật của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội 11 của Ðảng bộ tỉnh trong nửa nhiệm kỳ (2020-2025) vừa qua?

Ðồng chí Nguyễn Văn Danh: Trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội 11 của Ðảng bộ tỉnh và nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Tiền Giang luôn chú trọng thực hiện tốt các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; từng cấp ủy viên ở các cấp đều có sự đổi mới trong phương pháp lãnh đạo, điều hành theo hướng nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả; bám sát quy chế làm việc, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc theo chương trình, kế hoạch; các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức, định hướng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công tác tuyên truyền được tập trung hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn và có sức thuyết phục cao...

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP-giá hiện hành) không ngừng gia tăng, năm 2020 là 98.861 tỷ đồng, đến năm 2022 tăng lên 112.462 tỷ đồng và ước thực hiện năm 2023 đạt khoảng 123.600 tỷ đồng. Trong điều kiện tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm phấn đấu vươn lên, kinh tế của tỉnh Tiền Giang có dấu hiệu phục hồi và tăng trở lại. Theo đó, năm 2021 chỉ số âm 0,91% nhưng đến năm 2022 tăng 7,04% và năm 2023 ước tăng 7,5%; bình quân trong ba năm (2021-2023) tăng khoảng 4,3%/năm.

Năm 2021, Tiền Giang thu hút 10 dự án, với vốn đăng ký 5.313 tỷ đồng. Năm 2022 thu hút 16 dự án với vốn đăng ký 10.139 tỷ đồng. Dự kiến năm 2023, tỉnh thu hút 22 dự án, với vốn đăng ký khoảng 20.000 tỷ đồng. Ðến nay, địa phương có 137/142 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4/8 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, 3/3 đô thị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ðến cuối năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 142/142 xã; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiễu mẫu và 2 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Có thể nói, với sự đoàn kết, quyết tâm chính trị rất cao của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội gắn với thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Ðại hội 11 của Ðảng bộ tỉnh.

Phóng viên: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn của địa phương trong công tác xây dựng Ðảng, hệ thống chính trị cũng như phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong gần nửa nhiệm kỳ vừa qua?

Ðồng chí Nguyễn Văn Danh: Tiền Giang thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ðảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình, phê bình; xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tỉnh đã đoàn kết, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, sự nêu gương trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống gắn với thực hiện hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng, Nghị quyết Ðại hội 11 của Ðảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, đã cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương và nghị quyết Ðại hội đảng bộ các cấp bằng các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, chú trọng phân tích, dự báo tình hình, có giải pháp sát với thực tiễn để thực hiện đạt kết quả cao nhất.

Cùng với đó, tỉnh quan tâm công tác cải cách hành chính, công tác dân vận gắn với phát huy dân chủ ở cơ sở; thông tin kịp thời những chủ trương, chính sách đến người dân, doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ; đặc biệt là xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý gần dân, sát dân, lắng nghe và giải quyết hợp lý, hợp tình những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc.

Phóng viên: Ðể góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và hiện thực hóa các mục tiêu mà Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ 11 đề ra, Ðảng bộ tỉnh Tiền Giang có kế hoạch và giải pháp ra sao?

Ðồng chí Nguyễn Văn Danh: Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TW (khóa XIII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt ở các cấp.

Ðịa phương triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện các quy hoạch ngành theo quy định pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và đầu tư công trung hạn nhằm khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Tỉnh tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, về vùng nguyên liệu để đầu tư phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, đặc biệt là trái cây nhằm góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với nước, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có thu nhập thấp; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây mới...

Ðịa phương chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời xây dựng phương án, kế hoạch tấn công, trấn áp tội phạm, vô hiệu hóa các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Phóng viên: Tiền Giang nằm ở cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long, gần Thành phố Hồ Chí Minh và là tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Ðể người dân Tiền Giang có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc, xin đồng chí chia sẻ những kế hoạch mang tính đột phá của địa phương trong nhiệm kỳ này cũng như những nhiệm kỳ tiếp theo?

Ðồng chí Nguyễn Văn Danh: Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa ra ba khâu đột phá là: Về tập trung đầu tư, hình thành hệ thống các sản phẩm chủ lực, vùng động lực: Tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía đông đến năm 2025; dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025 và các dự án về chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ...

Về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ ở đô thị và nông thôn: Ðịa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi đồng bộ, thông suốt giữa các vùng trong tỉnh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng duyên hải phía đông, vùng Ðồng Tháp Mười...

Về phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh cải cách hành chính: Tỉnh đề cao tính sáng tạo trong lực lượng trí thức, nhất là trí thức trẻ, để trí thức địa phương phát huy năng lực, cống hiến tài năng, trí tuệ phục vụ cho sự phát triển chung của tỉnh, Tiền Giang luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức được nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị và phát huy tối đa năng lực công tác.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!.