Tiền Giang: Nước nhiễm bẩn, nghêu chết hàng loạt

ND - Từ đầu năm đến nay, theo chính quyền huyện Gò Công Ðông hiện tượng nghêu chết rải rác với số lượng nhiều hơn mọi năm. Ðặc biệt, ngay thời điểm này là thời điểm con nghêu phát triển rất tốt, chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ mùa nhưng nghêu cũng vẫn chết ở mức độ đáng báo động.

Phó trưởng Ban quản lý cồn, bãi huyện Gò Công Ðông Trần Hai cho biết: "Vụ nghêu năm 2008 nghêu chết liên tục rải rác từ đầu năm đến nay. Nếu như  không có biện pháp ngăn chặn thì gần 600 ha nghêu thương phẩm sắp bắt đầu thu hoạch, người nuôi nghêu sẽ bị thiệt hại không nhỏ".

Theo nhiều hộ nuôi nghêu cho biết, đây là hiện tượng nghêu chết rất "lạ" trong năm, bởi đặc thù của vùng biển Gò Công xưa nay chưa hề có chuyện nghêu chết vào thời điểm này, làm người nuôi hoang mang.

Hơn mười năm nuôi nghêu, ông Ðoàn Văn Nhàn (thị trấn Tân Hòa, Gò Công Ðông) bức xúc: Trước đây tình trạng nghêu chết cũng có, thường hằng năm rơi vào tháng 10, tháng 11. Nay mới đến tháng 7 mà nghêu chết trên diện rộng. Theo ước tính, sân nghêu của ông đến thời điểm hiện nay đã bị thiệt hại hơn 40%. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, mất hơn 200 triệu đồng.

Ông Trần Văn Châu, ấp Cây Bàng, xã Tân Thành canh tác tám ha nghêu thịt, cho biết, nếu vụ nghêu này thành công, ông sẽ thu lợi gần một tỷ đồng, nhưng nghêu chết như thế này thì chuyện thu hồi vốn cũng chỉ là cầu may thôi. Vốn nuôi nghêu là vay từ ngân hàng nên thiệt hại nặng sẽ dẫn đến nguy cơ vỡ nợ. Mong chính quyền mau chóng xác định nguyên nhân và có biện pháp ngăn chặn giúp người nuôi nghêu thoát khỏi nguy cơ trắng tay do mất mùa.

Do không xác định được nguyên nhân gây nên hiện tượng nghêu chết nhiều so với mọi năm, nên hiện nay người nuôi nghêu cũng như chính quyền địa phương rất lo lắng. Theo kinh nghiệm nhiều năm của các hộ nuôi nghêu thì nghêu chết do một số nguyên nhân như phù sa từ sông Cửa Tiểu đổ dồn xuống bãi nghêu vào mùa lũ thì không đáng kể, bởi đó là quy luật nhưng năm nay thì ngay cả trong mùa thuận lợi phát triển tốt của con nghêu mà nghêu vẫn chết.

Quá bức xúc, các hộ dân tự điều tra phát hiện các cơ sở chế biến vỏ cua, ghẹ ở khu vực ấp Ðèn Ðỏ, thuộc xã Tân Thành sau khi xử lý hóa chất là đổ trực tiếp nước thải ra nguồn nước theo sông cửa Tiểu, chảy trực tiếp đến khu vực nuôi nghêu khoảng cách gần một km, gây ra tình trạng nghêu chết hàng loạt.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Ðông Nguyễn Văn Ra, nghêu chết hiện nay là loại nghêu thịt có trọng lượng từ 40 đến 50 con/kg. Ngành cũng đã ghi nhận sự bức xúc của bà con về nguyên nhân nghêu chết một cách khó hiểu như: do lượng nước xả từ các cống thuộc dự án ngọt hóa ra biển ảnh hưởng đến sự phát triển của con nghêu và nguyên nhân nghêu chết do ô nhiễm nguồn nước từ chất thải hóa học do các cơ sở chế biến cua, ghẹ ở ấp Ðèn Ðỏ gây nên. Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra và kiến nghị đến tỉnh có biện pháp làm rõ nguyên nhân và khắc phục nhanh hiện tượng nghêu chết bất thường. 300 ha nuôi nghêu thuộc diện quản lý của huyện, cũng như khu vực quản lý cho nghêu sinh sản hằng năm sẽ thiệt hại...

Câu hỏi này dành cho ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc khảo sát, làm rõ chuyện nghêu chết hàng loạt và có câu trả lời thỏa đáng cho người nuôi nghêu cũng như có giải pháp ngăn chặn kịp thời hiện tượng trên.