Kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trên địa bàn xã Nhị Quý (thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang đã huy động tổng lực cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng lên hằng ngày.
Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận 39 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó có 11 trường hợp là người nhập cảnh từ nước ngoài được cách ly ngay, một trường hợp từ vùng dịch về sau khi hoàn thành cách ly tập trung và 27 trường hợp ghi nhận trong cộng đồng.
Trước sự phức tạp của dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Cai Lậy Trần Văn Thức ban hành quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 22 giờ ngày 13-6 trên toàn địa bàn thị xã. Trong ngày, địa phương này cũng đã phong tỏa xã Mỹ Hạnh Đông, với diện tích 1.600 ha, hơn 2.300 hộ, khoảng 8.600 nhân khẩu nhằm bảo đảm công tác phòng, chống dịch và ngăn chặn việc lây nhiễm trong cộng đồng liên quan các ca nhiễm Covid-19. Đồng thời, phong tỏa một khu dân cư ở xã Long Khánh vì có ca dương tính Covid-19.
Huyện Cái Bè cũng là địa phương có 12 ca nhiễm Covid-19, trong đó, hai ca là công nhân thi công cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Út cho biết, để kiềm chế, kiểm soát có hiệu quả sự lây lan, chủ động ngăn chặn, ứng phó với dịch bệnh, bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của nhân dân, lãnh đạo huyện yêu cầu phải thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, ấp cách ly với ấp, xã cách ly với xã; các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định; yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứ, làm việc tại nhà máy, các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa...
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đã yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn chỉnh các thủ tục có liên quan để chuyển các F0 đến Bệnh viện dã chiến và ban hành quyết định thực hiện cách ly tập trung đối với các F1. Hiện nay, việc kiểm soát các vùng dịch đã cơ bản. Nếu có F0 thì đa số là những ca F1 đã được tỉnh cách ly trước đó.
Từ ngày 4-2 đến nay, tỉnh Tiền Giang đã tổ chức nhiều đợt cách ly, với tổng số khoảng 950 người cách ly y tế, 123 người cách ly tại khách sạn, cách ly tại nhà trên 6.000 người… Tỉnh cũng đã tiêm ngừa Covid-19 đợt 1 và đợt 1 bổ sung 13.299 người.
Có mặt tại chốt chặn kiểm dịch Covid-19 tại xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nơi giáp ranh với xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, phóng viên ghi nhận công tác kiểm dịch người ra, vào địa phương rất chặt chẽ. Sau khi nắm thông tin tỉnh Tiền Giang có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, tỉnh Long An đã cho kích hoạt toàn bộ các chốt kiểm dịch lớn, nhỏ ra vào địa bàn. Các chốt này hoạt động từ ngày 11-6.
Đồng chí Võ Văn Liệt, Tổ Y tế của xã Tân Ninh cho biết, chốt kiểm dịch hoạt động 24/24 giờ, mỗi ca có bốn người. Lực lượng có mặt tại đây là: Công an xã, xã đội, y tế, ấp và các hội, đoàn, thể. Mỗi ngày, người ra vào địa bàn từ 500 đến 700. Trong đó, người từ Tiền Giang ra vào địa bàn nhiều nhất. Công việc của chốt kiểm dịch này là kiểm tra tất cả người ra vào địa bàn. Yêu cầu họ phải khai báo từ đâu đến và đi đến đâu. Vào địa bàn xã làm gì? Nếu mục đích không cần thiết, lực lượng chốt kiểm dịch sẽ không cho vào. Nhiều trường hợp mua bán dạo, dự đám tiệc trong xã, lực lượng chứ năng kiên quyết không cho qua chốt.
Khi lực lượng đang làm nhiệm vụ thì ông Nguyễn Văn X ở ấp Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có việc đi qua chốt chặn kiểm dịch. Ông X buộc phải dừng xe và thực hiện việc rửa tay bằng dung dịch, khai báo y tế; lực lượng đến đo thân nhiệt. Thực hiện đầy đủ thủ tục, lực lượng tại đây cho đi. Lúc này, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Tân Ninh đến kiểm tra chốt chặn kiểm dịch. Đồng chí Thắng hỏi ông X, người muốn vào thăm cha mẹ, và chia sẻ thêm: “Chúng tôi “không ngăn sông cấm chợ”, không làm khó người dân. Tuy nhiên, diễn biến dịch ở tỉnh Tiền Giang đang phức tạp, nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Lực lượng ở đây không biết trong người anh có mầm bệnh Covid-19 hay không. Nếu nhiễm bệnh, anh không chỉ làm khổ cho cha mẹ của anh mà còn cho cộng đồng. Thăm cha mẹ để khi tình hình dịch ổn định rồi về thăm cũng được. Việc này không chính đáng, chúng tôi không thể cho anh vào địa bàn được”. Sau khi được giải thích thân tình, ông X cảm ơn lực lượng chức năng và vui vẻ ra về.
Đi dọc theo các tuyến đường thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nơi có các chốt chặn kiểm dịch tiếp giáp với các địa phương tỉnh Tiền Giang, công việc kiểm soát người ra vào khá căng thẳng. Người chặn dừng phương tiện, người đo thân nhiệt, người ghi lịch trình di chuyển… Tất cả đều hoạt động hết công sức ở những tuyến đường huyết mạch.
Đồng chí Trần Văn Thành, Cựu chiến binh của xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, là thành viên chốt chặn kiểm soát dịch bệnh tại ấp Phụng Thớt, xã Nhơn Ninh, cho biết, sáng sớm và chiều tối, công nhân ra vào địa bàn xã rất lớn. Hàng trăm công nhân đi và về cùng lúc. Chính vì vậy, anh em chốt chặn phải làm việc hết công sức, với tinh thần trách nhiệm cao. Mặc dù, rất mệt mỏi nhưng cố gắng hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra trên địa bàn.
Còn tại tỉnh Bến Tre, công tác ngăn chặn dịch Covid-19 xâm nhiễm vào địa bàn cũng gấp rút hơn bao giờ hết. Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre Phạm Thị Xuân Yến đã có hướng dẫn các địa phương về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với những người từ tỉnh Tiền Giang và các địa phương trong khu vực.
Theo đó, các địa phương khi phát hiện các trường hợp người từ tỉnh Tiền Giang và các tỉnh trong khu vực về Bến Tre thực hiện ngay các biện pháp như: khai báo y tế, thu thập thông tin dịch tễ; trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến ca Covid-19 (F0) thì áp dụng các biện pháp chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Đối với các trường hợp khác, địa phương áp dụng các biện pháp cách ly y tế tập trung theo quy định (21 ngày) đối với người đến/về tỉnh Bến Tre từ các khu vực, điểm dịch và vùng phong tỏa ấp/khu phố thuộc địa phương có ca bệnh Covid-19; áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo quy định (14 ngày) đối với người đến/về tỉnh Bến Tre từ các xã/phường/thị trấn có ca bệnh Covid-19; áp dụng biện pháp tự theo dõi sức khỏe tại nhà, thực hiện tốt 5K đối với người về từ các địa phương còn lại.
Để bảo đảm hoạt động sản xuất hiệu quả tại các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bến Tre đề nghị các doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp Phước Long, kể cả các nhà thầu tạo điều kiện cho người lao động ổn định nơi ở tạm trú tại địa phương nơi làm việc. Các doanh nghiệp có điều kiện thì bố trí chỗ ở cho người lao động, hạn chế người lao động ngoài tỉnh đến/về tỉnh từ các tỉnh khác. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp khẩn cấp thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp có người lao động hàng ngày đi/về giữa tỉnh Bến Tre - Tiền Giang.
Tỉnh Bến Tre thành lập bốn chốt kiểm soát dịch Covid -19 tại cầu Rạch Miễu, bến phà tạm Rạch Miễu, bến phà Đình Khao và cầu Cổ Chiên. Các phương tiện vận tải phải được phun khử khuẩn, bảo đảm an toàn trước, trong và sau khi hoạt động vận chuyển theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa phải ghi chép hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; bảo đảm thông thoáng phương tiện, hạn chế tiếp xúc người khác... Khi vận chuyển hàng hóa đi, đến, về từ vùng dịch Covid-19 phải được sự cho phép của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị. Khi cần thiết phải xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường, thị trấn tại địa phương.
Hiện, tỉnh Bến Tre đang cách ly 6.613 trường hợp, gồm: 26 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, 293 trường hợp cách ly tập trung, 6.294 cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú. Đồng thời, 30 người hoàn thành cách ly y tế tập trung về địa phương đang theo dõi sức khỏe. Từ đầu năm đến nay, tỉnh có 10.917 trường hợp cách ly y tế, chấm dứt cách ly 4.304 người. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 5.640 mẫu.
Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre cho biết, lực lượng lao động từ tỉnh Long An, Bến Tre và các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Tiền Giang đến làm việc tại các khu, cụm công nghiệp thuộc huyện Châu Thành và Tân Phước của Tiền Giang là rất lớn. Đa số công nhân được công ty sáng rước, chiều đưa về. Trước việc bùng phát dịch ở Tiền Giang, trên các trục giao thông giáp ranh, ba tỉnh đều kích hoạt tất cả chốt kiểm soát, kiểm tra y tế phòng chống, dịch Covid-19 hai chiều. Các chốt này đều tiến hành đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với tất cả người ngồi trên phương tiện. Đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, ngành chức năng đã bố trí lực lượng phun khử khuẩn đối với tất cả phương tiện ra vào khu, cụm công nghiệp. Ngoài ra, các khu, công nghiệp này đều thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.