Tiền Giang bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt

Tiền Giang hiện có 536 trạm cấp nước đang cung cấp cho khoảng 399.000 hộ dân nông thôn, chiếm tỷ lệ 96,46%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh sử dụng nước đạt quy chuẩn là 90,5%.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).
Trạm cấp nước sinh hoạt cho người dân ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Thời gian qua, Tiền Giang đã có nhiều cố gắng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân, nâng cao chất lượng nguồn nước sinh hoạt nhằm phục vụ người dân được tốt hơn. Tuy nhiên, chất lượng nước một số nơi chưa ổn định, đôi lúc gây bức xúc cho người dân. Bà Phùng Thị Kim Phương cùng một số hộ dân ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho bức xúc vì nguồn nước do một doanh nghiệp cung cấp nhiều lúc có mùi hôi bùn, cặn, nước đen...

Những thời điểm đó, người dân không dám sử dụng nguồn nước này trong sinh hoạt hằng ngày. Gần đây, doanh nghiệp cung cấp đã thay đổi đường ống mới, nâng cấp chất lượng nước, nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng nước không bảo đảm vệ sinh. Người dân ở ấp Mỹ Lợi đã kiến nghị nhiều lần yêu cầu nâng cấp chất lượng nguồn nước tốt hơn hoặc đổi đơn vị cung cấp nước khác, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn hiện có 536 trạm cấp nước đang cung cấp cho khoảng 399.000 hộ dân nông thôn, chiếm tỷ lệ 96,46%. Trong đó, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước đạt quy chuẩn là 90,5%, còn khoảng 3,54% hộ dân nông thôn sử dụng nước từ công trình cấp nước nhỏ lẻ, chưa thể đầu tư mạng lưới cấp nước đến các hộ dân này.

Riêng các huyện, thị phía đông của tỉnh có 175 trạm cấp nước khai thác từ nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt kết hợp lượng nước cấp từ Nhà máy nước Đồng Tâm với công suất 53.000 m3/ngày đêm đưa xuống, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân khi hạn, mặn xảy ra. Để bảo đảm đủ nước sinh hoạt trong mùa khô, hằng năm tỉnh Tiền Giang đã tuyên truyền, vận động người dân tăng cường trữ và sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích; xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm tới các trạm đã được đấu nối; thường xuyên kiểm tra độ mặn, bơm lấy nước từ sông Tiền trữ đầy vào ao chứa của Nhà máy nước Đồng Tâm...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Ưng Hồng Nghi cho biết, sau các đợt hạn, mặn gay gắt, tỉnh đã đầu tư năm tuyến ống chính đưa nước của Nhà máy nước Đồng Tâm về các huyện phía đông và thực hiện dự án mạng lưới đường ống cấp nước phía đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công với kinh phí 345 tỷ đồng.

"Ngoài ra, tỉnh cũng đầu tư 15 giếng khoan dự phòng, nâng số giếng dự phòng phục vụ sinh hoạt là 24 giếng. Đối với các hộ dân nông thôn thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung thì tổ chức mở vòi nước công cộng để cấp nước miễn phí", ông Ưng Hồng Nghi nói.

Nói về giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho rằng, tỉnh đã chỉ đạo địa phương chủ trì, phối hợp các đơn vị, tổ chức, cá nhân cung cấp nước xác định trách nhiệm của từng đơn vị, trong đó, lưu ý các cụm dân cư vùng lõm chưa tiếp cận nguồn nước để có kế hoạch kéo nước đến các nơi này.

Qua đó giúp duy trì, giữ vững và tăng tỷ lệ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng xã nông thôn mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp nước lớn trên địa bàn cần có kế hoạch đầu tư phát triển tuyến ống và kết nối lắp đặt đồng hồ cho các hộ dân chưa tiếp cận nguồn nước từ trạm cấp nước tập trung trên địa bàn các huyện: Cái Bè, Gò Công Đông, Tân Phú Đông.

Đối với các trạm cấp nước có chất lượng nước không đạt quy chuẩn quy định, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm cấp nước tập trung nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, có biện pháp bảo đảm các trạm cấp nước hoạt động hiệu quả, bền vững, chú trọng kiểm tra thường xuyên các tổ hợp tác, hợp tác xã về quản lý, thu chi tài chính; bảo đảm giá thành 1 m3 nước sử dụng được tính đúng, tính đủ chi phí, cơ cấu giá thành theo quy định và theo đơn giá ban hành; bảo đảm có trích chi phí khấu hao để thu hồi vốn, tái đầu tư công trình, các chi phí cần thiết cho hoạt động dịch vụ cung cấp nước theo định mức quy định...