Tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản

NDO - Sáng 13/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gỗ, lâm sản và thủy sản.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính với các đại biểu.

Trong những năm qua, ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ, lâm sản và ngành thủy sản nước ta luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã tham dự, chủ trì nhiều hội nghị của ngành nông nghiệp nói chung và ngành lâm sản, thủy sản nói riêng.

Ngành chế biến gỗ, lâm sản và thủy sản xuất khẩu nước ta trở thành ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực, điểm sáng của ngành nông nghiệp và là một trong ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao hơn 10 tỷ USD; đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo của đất nước nói chung và sự phát triển của ngành nông nghiệp nói riêng.

Năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2022, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 17,1 tỷ USD, vượt 3,8% kế hoạch đề ra; ngành hàng này cũng đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt 11 tỷ USD, tăng 23,8% so cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9 tỷ USD), cao nhất từ trước đến nay; mục tiêu kế hoạch năm 2023 của ngành khoảng 10 tỷ USD.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.

Tuy nhiên, lũy kế 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 20,63 tỷ USD, giảm 11,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 11,19 tỷ USD, giảm 14,4%; nhập khẩu ước đạt 9,44 tỷ USD, giảm 7,2%; xuất siêu 1,76 tỷ USD, giảm 39,6% so cùng kỳ năm 2022...

Các lĩnh vực lâm sản, thủy sản đã sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Quý I/2023 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng giảm mạnh, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp gỗ, lâm sản, thủy sản nói riêng đã đồng hành cùng đất nước, cùng nhân dân trong phòng, chống đại dịch Covid-19, góp phần củng cố, tăng cường, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc để ứng phó với những khó khăn, thách thức rất lớn, chưa có tiền lệ, trong bối cảnh nguồn lực có hạn, sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế, chịu tác động kép từ bên trong và bên ngoài.

"Cần bình tĩnh, kiên định các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản nhưng linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện; nhận diện tình hình để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tìm ra giải pháp phù hợp".

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Những kết quả, thành tựu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ, lâm sản, thủy sản đã góp phần vào thành tựu chung của đất nước năm 2022, nổi bật là thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Năm 2023, hậu quả của dịch Covid-19 cần tiếp tục phải khắc phục; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do tổng cầu giảm; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; giá cả nhiều mặt hàng, nguyên vật liệu biến động, nhất là xăng dầu; nhiều nước điều chỉnh chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ, một số ngân hàng lớn phá sản, sụp đổ… Ở trong nước, chúng ta phải tiếp tục xử lý các vấn đề nội tại của nền kinh tế, nhiều công việc tồn đọng, kéo dài.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản ảnh 4

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần bình tĩnh, kiên định các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản nhưng linh hoạt trong điều hành, tổ chức thực hiện; nhận diện tình hình để khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức; tìm ra giải pháp phù hợp.

Hội nghị này được tổ chức tiếp nối nhiều hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ chủ trì thời gian qua nhằm quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu lâm sản và thủy sản ảnh 5

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận để tìm ra các giải pháp hay, cách làm mới, thích ứng với tình hình thị trường trong nước, khu vực và thế giới, chỉ rõ các chủ thể (Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, các doanh nghiệp…) cần làm gì để thúc đẩy sản xuất, chế biến, xuất khẩu lâm sản phát triển bền vững, bảo đảm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong 2 lĩnh vực này; phát triển sản xuất lâm sản và thủy sản hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn; chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, coi trọng xuất khẩu và thị trường trong nước; Nhà nước, doanh nghiệp và người dân phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro trong những thời điểm khó khăn hiện nay; Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, hỗ trợ, chia sẻ một cách thực chất về chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của từng doanh nghiệp và vai trò của các hiệp hội. Cần quán triệt, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ quy định, thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đa phương và song phương và cam kết quốc tế. Chủ động triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam, coi đây là chìa khóa để bảo vệ sản xuất trong nước, tạo điều kiện mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu nhanh và bền vững.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; thúc đẩy xây dựng hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hệ thống cao tốc để giảm chi phí logistics; phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn; xử lý kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp; theo dõi sát tình hình thị trường xuất khẩu; diễn biến quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành phù hợp.

Trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng hiệu quả thị trường trong nước; đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh đàm phán, mở rộng thị trường, chú trọng khai thác các thị trường ngách; đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học công nghệ, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách liên quan hoàn thuế VAT; thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc thủy sản, lâm sản; tháo gỡ khó khăn liên quan quy chuẩn Việt Nam về mức thải chế biến thủy sản và quy chế mức thải ao nuôi thủy sản.

Các doanh nghiệp ngành gỗ và thủy sản cần phát huy truyền thống, chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó, có cách làm mới, “tự cứu mình”, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm gỗ có mẫu mã độc đáo, đa dạng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài. Triển khai các biện pháp phù hợp chống gian lận xuất xứ hàng hóa, chế biến, tiêu thụ thủy sản, lâm sản; giảm nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp; phát triển nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp; các chương trình, đề án về “Giống”, “Thức ăn NTTS” và “Hormone HCG”…

Khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển; đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản; đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các hộ trồng rừng, các hiệp hội, doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản về yêu cầu thị trường, các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp và tiêu chuẩn về sản phẩm đồ gỗ và lâm sản của nước nhập khẩu.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục “thẻ vàng” IUU của EU; tìm kiếm, xúc tiến thị trường mới; xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành một số cơ chế chính sách về lâm nghiệp, thủy sản; thực hiện hiệu quả các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc; điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản; quan tâm, hỗ trợ để tăng đầu tư hạ tầng nghề cá, đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU; xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư; xây dựng một số mô hình sản xuất giống, mô hình quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, mô hình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu phù hợp; có chính sách ưu đãi tín dụng phù hợp; thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan nghiên cứu các chính sách, tháo gỡ về thuế, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng năm 2023;

Bộ Công thương tập trung hỗ trợ phát triển thương hiệu, xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường; hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại;

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, ưu tiên bố trí vốn trung hạn để các bộ, ngành địa phương thực hiện hiệu quả Nghị định số 57/2018-NĐ-CP của Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển khu công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản tập trung, phát triển dịch vụ logistics, khu ứng dụng công nghệ cao trong lâm nghiệp.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn, tạo giống, trồng rừng, chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản; khâu chọn, tạo giống thủy sản; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thủy sản, nghiệp và chế biến gỗ, lâm sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu chính sách đất đai thuận lợi cho doanh nghiệp, phù hợp xu thế chuyên canh, chuyên nghiệp, sản xuất lớn; xem xét, nghiên cứu sửa đổi Quy chuẩn nước thải phù hợp ngành thủy sản. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên-bao gồm thủy sản. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…

UBND các tỉnh, thành phố tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất với doanh nghiệp; triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư; có chính sách để phát triển và mở rộng vùng nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản tập trung; tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường, kết hợp khoa học công nghệ trong phòng chống dịch bệnh hiệu quả; quản lý tốt nguyên liệu vật tư đầu vào; xây dựng các vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh; triển khai chương trình quốc gia giám sát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Tổ chức tuyên truyền người dân, doanh nghiệp không khai thác thủy sản IUU, phát triển thủy sản bền vững; không khai thác rừng non, thực hiện kinh doanh gỗ lớn để bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời tạo nguồn gỗ có đường kính lớn; khẩn trương thực hiện hiệu quả quản lý rừng bền vững gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc gia, nâng cao vị thế, thương hiệu…

VASEP chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan triển khai đề án xây dựng thương hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh là tôm, cá tra và cá ngừ; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chủ động nguồn nguyên liệu trong nước; dẫn dắt chuỗi liên kết giá trị giữa nông ngư dân và doanh nghiệp để đảm bảo đủ nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm; quan tâm hơn đời sống của bà con nông, ngư dân thông qua việc ký kết và thực hiện nghiêm các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm thủy sản; thực hiện tốt hơn liên kết giữa các doanh nghiệp trong nội bộ Hiệp hội và các hiệp hội khác; xây dựng các thương hiệu quốc gia về thủy sản;

Phối hợp Bộ Công thương hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại, đẩy mạnh tổ chức thành công các hội chợ quốc tế. Viforest tiếp tục trao đổi thông tin, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt và có các giải pháp kịp thời; phối hợp Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ kiện thương mại…