Say mê, tâm huyết và đầy trách nhiệm với sứ mạng người thầy, ông được xem là một nhà sư phạm chuẩn mực. Đất nước thời chiến tranh, việc học tập vô cùng gian khổ và thiếu thốn, nhưng ông luôn nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu để vượt lên. Được thụ giáo với nhiều người thầy giỏi, đức cao đạo trọng, ông vừa tiếp thu kiến thức phục vụ công việc, vừa học hỏi những phẩm chất cao đẹp của thầy làm tấm gương cho mình. Không chỉ làm tốt công việc giảng dạy và quản lý, ông thường trăn trở tìm tòi để nâng tầm suy nghĩ bắt kịp những vấn đề quan trọng và chuyển biến mau lẹ của công tác giáo dục nước nhà, khi tiếp quản các trường đại học ở miền nam sau giải phóng. Trong mười năm đầu khi đất nước thống nhất, trên cương vị Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ông không chỉ được xem là một giảng viên am hiểu sâu về chuyên môn mà còn là một tấm gương quy tụ, đoàn kết, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức giảng dạy đại học. Trong trước tác của mình, ông đề cập đến nhiều vấn đề của giáo dục, từ ở tầm vĩ mô, như tư tưởng và triết lý giáo dục, chiến lược và giải pháp xây dựng nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, đến những việc cụ thể, như về giảng dạy các giai đoạn văn học, thể loại, ngôn ngữ…
Với nghề văn, ông là một nhà lý luận phê bình văn học uyên bác và có hệ thống. Nắm vững phương pháp luận, với vốn ngoại ngữ phong phú, ông tiếp thu có hệ thống tinh hoa văn hóa nhân loại, lại nhạy cảm trong phát hiện, nên có nhiều bài nghiên cứu, lý luận phê bình gây được tiếng vang. Ông nhiệt tình biểu dương vẻ đẹp của nền thơ ca cách mạng mang đến những giá trị chính trị và nhân đạo lớn lao, thông qua những tác phẩm, tác giả tiêu biểu. Những bài viết của ông thường mang một cách nhìn nghiêm khắc, nhưng bao giờ cũng điềm đạm, chân thành, có lý có tình, có sức thuyết phục khoa học với những lập luận khúc chiết. Trung thành với lý tưởng cách mạng, trên cơ sở ý thức giác ngộ sâu sắc, ông luôn nêu cao bản lĩnh, vững vàng trong mọi hoàn cảnh, trung thực, mạnh mẽ đấu tranh cho lẽ phải, cho lý tưởng cao đẹp mà ông đã lựa chọn.
Trong cuộc sống, ông hiền từ, nhân ái và mong mọi người cùng tiến bộ. Ông hòa đồng cùng đồng nghiệp, luôn luôn lắng nghe, phát hiện, góp ý và gợi mở những điều cần thiết cho công tác chuyên môn. Những ai từng tiếp xúc và làm việc với ông ở trường đại học, ở Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và TP Hồ Chí Minh, đều tìm thấy ở ông những phẩm chất để mến yêu, kính trọng.
Ông còn là một nhà thơ, tuy công bố không nhiều, nhưng người đọc vẫn nhận thấy hồn thơ tinh tế, tứ thơ cô đọng, hàm súc và bao giờ cũng ẩn chứa những ý tưởng sâu sắc với mong muốn làm phong phú cái đẹp của tâm hồn con người, đưa con người đến gần nhau. Tôi đặc biệt chú ý những chùm thơ tình và thơ viết về Hà Nội của ông, hết thảy đều gọn gàng, nhưng có sức ám ảnh và lay động thật mạnh mẽ.
Trong một bài thơ, ông tự thán rằng, hiện thực cuộc sống phong phú và giàu có như “xứ thần tiên”, “bốn bề vàng ngọc” mà tác phẩm mình đem về “chỉ có túi ba gang”… Nhưng với hàng nghìn trang sách đã xuất bản, trong đó đồ sộ nhất là Tuyển tập các bài viết về giáo dục và văn học, dày 1.150 trang khổ lớn, “mỗi một lời viết ra” là “giọt máu của lòng”, như tác giả cho biết, thì chúng ta càng khâm phục và trân trọng những gì tác giả để lại cho đời.
PGS, NGND Trần Thanh Đạm qua đời lúc 8 giờ 15 phút ngày 2-11-2015, hưởng thọ 84 tuổi. Ông sinh năm 1932 tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế), là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1996); từng công tác tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Tang lễ được cử hành ngày 5-11 tại TP Hồ Chí Minh. |