Tình trạng thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin không chỉ là vấn đề ở Việt Nam mà còn là một thách thức toàn cầu. Về số lượng, thực tế mới đáp ứng khoảng 25% nhu cầu, trong khi đó, đến năm 2030, thị trường quốc tế cần đến khoảng 2 triệu nhân lực công nghệ thông tin.
Tại Việt Nam, việc thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghệ thông tin mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế ngày càng tăng cao.
Ðể đáp ứng nhu cầu này, các trường đại học và trung tâm đào tạo công nghệ thông tin tại Việt Nam đang tập trung đào tạo các kỹ năng mới và tiên tiến nhất trong ngành công nghệ thông tin, như lập trình ứng dụng di động, trí tuệ nhân tạo, khai phá dữ liệu, an ninh mạng, công nghệ đám mây...
Ðồng thời, các trường đại học và trung tâm đào tạo công nghệ thông tin cũng đang cập nhật và phát triển các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và giúp các sinh viên có thể cạnh tranh được với các nhân viên công nghệ thông tin ở các nước khác.
Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hợp tác với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về thỏa thuận phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin. Các chuẩn kỹ năng kỹ sư công nghệ thông tin được công nhận tương đương lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước tiên tiến. Triển khai thực hiện, Trung tâm Ươm tạo và Ðào tạo công nghệ cao (thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã triển khai xây dựng Hệ thống chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin của Việt Nam và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đào tạo, sát hạch chuẩn kỹ năng này.
Theo đó, các chuẩn kỹ năng được xây dựng theo mô hình của Nhật Bản, trên cơ sở khung kiến thức chung, kiến thức chuyên sâu đối với từng loại hình công nghệ kết hợp với các yêu cầu về khả năng và kinh nghiệm làm việc thực tế đối với từng lĩnh vực. Ðáng chú ý, trong đó có chuẩn kỹ năng kỹ sư công nghệ thông tin cơ bản (FE), chuẩn kỹ năng kỹ sư ứng dụng công nghệ thông tin (AP), chuẩn hộ chiếu công nghệ thông tin (IP) được công nhận tương đương với Nhật Bản.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm phụ trách mảng đào tạo và sát hạch cho biết, vào tháng 4 và tháng 10 hằng năm, Trung tâm phối hợp với Nhật Bản và các nước tham gia tổ chức hội đồng chuyên môn tổ chức các kỳ sát hạch tại Việt Nam. Các kỳ sát hạch nhằm kiểm tra kiến thức và năng lực làm việc thực tế của mỗi thí sinh, là cơ hội tốt để các thí sinh thể hiện khả năng của bản thân, qua đó có cơ sở tham gia vào thị trường nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo chuẩn quốc tế.
Thời gian sát hạch được tiến hành cùng ngày, cùng giờ, cùng đề thi, cùng hệ thống đánh giá với các nước có tham gia hội đồng chuyên môn gồm: Nhật Bản, Philippines, Thái Lan, Mông Cổ, Myanmar, Bangladesh, Việt Nam. Các thí sinh đỗ sát hạch được cấp Giấy chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ, có giá trị tương đương với chứng nhận do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cấp cho các thí sinh tại Nhật Bản và các nước trong khu vực.
Cho đến nay, Trung tâm Ươm tạo và Ðào tạo công nghệ cao đã tổ chức thành công 42 kỳ sát hạch, trong đó có 34 kỳ thi chung với các nước, với hơn 17.000 thí sinh đăng ký tham dự ở các loại hình, trong đó có gần 3.300 thí sinh đạt kết quả sát hạch, tương đương khoảng 22% trên tổng số thí sinh dự thi.
Có thể nói, với khung đánh giá chuẩn kỹ năng thì kết quả sát hạch là “thước đo” quan trọng đánh giá phẩm chất nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam, giúp các doanh nghiệp tuyển chọn được nhân lực đạt chuẩn quốc tế, các nhà quản lý có cơ sở để đánh giá thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực nguồn, làm cơ sở hoạch định các chính sách và chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ông Lê Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Ðào tạo công nghệ cao cho biết, số lượng kỹ sư có chứng nhận chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin còn thấp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Nguyên nhân một phần do kỳ thi đòi hỏi kiến thức và năng lực làm việc thực tế, mặt khác nhiều người chưa quan tâm việc nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu người đi làm có thêm chứng nhận này thì cơ hội về lương, vị trí việc làm luôn rộng mở. Hiện, nhiều trường đại học có ngành học công nghệ thông tin đã có chính sách khuyến khích sinh viên tiếp cận và tham dự sát hạch theo chuẩn kỹ năng trước khi tốt nghiệp.