Thực thi EPR mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiên phong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

NDO - Việc thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR) được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải ra môi trường, và Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn, song cũng là thách thức bởi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai và thực thi một cách thông suốt và hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)
Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm môi trường với cộng đồng qua EPR

Nhận định trên được đưa ra tại Tọa đàm với chủ đề “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất: Từ chính sách đến thực thi”, diễn ra sáng 4/4 tại Hà Nội do báo Việt Nam News thuộc Thông tấn xã Việt Nam và Công ty cổ phần và quảng cáo Hội chợ thương mại (VINEXAD) đồng tổ chức. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024) đang diễn ra tại Hà Nội.

Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cũng như tạo dựng mối quan hệ hợp tác trong quá trình thực thi EPR.

Phát biểu tại sự kiện, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc TTXVN nhấn mạnh, EPR là một nội dung có ý nghĩa đối với sự phát triển bền vững của các nhà sản xuất và các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Thực thi EPR mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiên phong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ảnh 1
Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng Giám đốc TTXVN phát biểu. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Thực hiện EPR sẽ góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, bà Nhung nói.

Trách nhiệm thực thi EPR được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo các văn bản này, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải. Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô-tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Thực thi EPR mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiên phong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ảnh 2

Các đại biểu tham dự tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Theo các chuyên gia, EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Việc thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với các nhà tái chế, đây là một cơ hội tốt để có thêm nguồn hỗ trợ tài chính và dòng tài chính từ EPR, bên cạnh nguồn từ sản xuất kinh doanh, qua đó cũng là cơ hội để doanh nghiệp chia sẻ trách nhiệm cũng như gánh nặng mà chất thải đặt lên cộng đồng nơi họ sản xuất, kinh doanh.

Động lực nào cho doanh nghiệp thúc đẩy EPR?

EPR được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải ra môi trường, và Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên áp dụng công cụ này. Tuy nhiên, đó cũng là một thách thức bởi các quy định, quy trình mới luôn cần thời gian để triển khai và thực thi một cách thông suốt và hiệu quả, đòi hỏi sự vào cuộc của không chỉ các cơ quan chuyên môn mà còn cả sự đồng hành của cộng đồng.

Thực thi EPR mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiên phong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ảnh 3
Ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam chia sẻ với báo chí bên lề sự kiện. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai EPR từ quốc tế, ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ chương trình phụ trách chất thải và kinh tế tuần hoàn, UNDP Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên triển khai EPR, khi bắt đầu khởi động quy trình này vào năm 2022 và năm 2024 là bước tiếp theo.

Với thực tiễn Việt Nam và các nước trong khu vực, nổi lên một số khó khăn, thách thức, trong đó Việt Nam hiện thiếu cơ sở hạ tầng thu gom tốt, trong khi nhu cầu với các dòng tái chế như nhựa tái chế chưa cao, bên cạnh nhận thức về chất thải và quản lý chất thải còn hạn chế.

Nhấn mạnh đây là thách thức đặc thù không chỉ của Việt Nam mà còn của các nước trong khu vực, chuyên gia UNDP nêu rõ, nguyên lý cơ bản để thực thi tốt EPR đó là cân bằng góc độ kinh tế trong hoạt động tái chế, nhằm giúp tạo động lực cho doanh nghiệp đi theo con đường tái chế và nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này.

Từ đó, ông Hoàng Thành Vĩnh khuyến nghị, nhà nước cần đầu tư thêm nguồn lực để hỗ trợ hoạt động thu gom được tốt hơn, với mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế và hàm lượng tái chế trong sản phẩm.

Công tác quản lý chất thải cũng cần được nâng cao, trong đó cần thúc đẩy các thiết kế hạ tầng thu gom chất thải, tái chế, tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh các mô hình đã được chứng minh có hiệu quả trong hoạt động thu gom, tái chế, song song với việc nâng cao nhận thức, góp phần giúp cộng đồng tiếp nhận mạnh mẽ hơn các sản phẩm tái chế.

Thực thi EPR mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiên phong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ảnh 4

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Chung quan điểm về góc độ kinh tế, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Phát triển bền vững và Đổi mới sáng tạo thuộc PAN Group cho biết, doanh nghiệp đang rất quan tâm các thách thức về cơ cấu tính giá thành sản phẩm sau này trong hoạt động sản xuất có liên quan.

Theo ông Anh, chi phí này không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, rất cần cân nhắc giữa yếu tố kỹ thuật, kinh tế và môi trường trong các chính sách để điều chỉnh sao cho phù hợp hơn với doanh nghiệp.

Bày tỏ đồng tình với các định hướng EPR của chính phủ, ông Anh cũng cho rằng lộ trình thực hiện EPR cần sự chia sẻ, đồng hành không chỉ của khối doanh nghiệp, nhà nước mà cần cả cộng đồng cùng vào cuộc.

Bà Quách Thị Xuân, điều phối viên Liên minh Không rác Việt Nam cũng khẳng định, quy định về EPR là công cụ bảo đảm các yếu tố ô nhiễm ngoại ứng được nội hóa vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Để giúp doanh nghiệp hiểu đúng về EPR, cũng như xây dựng kế hoạch thực hiện EPR, liên minh đã có nhiều hoạt động như hỗ trợ các cơ quan chức năng xây dựng các dự thảo, tổ chức tham vấn các bên liên quan, cũng như tham gia công tác truyền thông cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Thực thi EPR mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tiên phong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ảnh 5

Ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Từ góc độ nhà nước, ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, chính phủ đã có những quy định về EPR, góp phần hỗ trợ nhà sản xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các nhà nhập khẩu lớn trong thực thi các cam kết về FTA thế hệ mới, đáp ứng các cam kết quốc tế về EPR.

Khẳng định nhà nước và doanh nghiệp phải cùng có trách nhiệm trong thực thi EPR, ông Nguyễn Thi cũng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai nhiều giải pháp, tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm để triển khai các quy định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp theo tinh thần cải cách hành chính, giảm bớt gánh nặng tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp liên quan trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Theo ông Thi, các quy định không yêu cầu doanh nghiệp tái chế quá sâu mà chỉ tới mức nguyên liệu, từ đó tiến tới mục tiêu thu gom để xử lý các bao bì sản phẩm, qua đó giúp doanh nghiệp có căn cứ xác định trách nhiệm của mình.

Ngoài ra, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ thành lập một tổ chức độc lập để vận hành cơ chế EPR, thay vì hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay.