Vừa qua, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại khu vực bản Vắn Tốc, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quảng Đức phát hiện, xe tải biển kiểm soát 14H-028.83, do Nguyễn Văn Việt (sinh năm 1993, trú tại khu Gềnh Võ, thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà) làm chủ phương tiện, đang tập kết hàng hóa lên xe.
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện có 65 bao tải, bên trong là thùng xốp chứa nầm lợn đông lạnh, với tổng trọng lượng là gần 2 tấn. Tiếp tục kiểm tra hàng hóa trong nhà dân, phát hiện 94 bao tải chứa gần 3,3 tấn nầm lợn đông lạnh.
Tổng trọng lượng nầm lợn đông lạnh thu giữ là hơn 5 tấn. Chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa nêu trên. Hiện vụ việc đang được các cán bộ Đồn Biên phòng Quảng Đức hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định.
Trước đó, tại khu vực tỉnh lộ 156B, thuộc địa phận thôn An Thành, xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, các cán bộ Đội Điều tra tổng hợp phối hợp Đội Cảnh sát giao thông-trật tự Công an huyện Bát Xát và Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện xe ô-tô tải biển kiểm soát 34C-358.57, di chuyển theo hướng thành phố Lào Cai đi huyện Bát Xát, có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Tổ công tác đã yêu cầu lái xe dừng phương tiện để kiểm tra xe. Qua kiểm tra, các cán bộ công an phát hiện 180 bao tải nhựa, bên trong chứa 3.240 kg chân gà, tai lợn, chân lợn đông lạnh đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Thời điểm kiểm tra, lái xe là Vũ Văn Sơn (sinh năm 1987, thường trú tại phường Lào Cai, thành phố Lào Cai), không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của lô hàng nêu trên. Tổ công tác đã lập biên bản và tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý vụ việc theo quy định.
Theo Đại tá Nguyễn Phi Khanh, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhập lậu thực phẩm có nguồn gốc từ gia súc, gia cầm qua biên giới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương, biện pháp và quyết liệt tổ chức thực hiện, trọng tâm là quán triệt đầy đủ chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên có liên quan đến công tác phòng chống buôn lậu đến từng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, cắt cử lực lượng trinh sát bám địa bàn trọng điểm, nắm chắc diễn biến tình hình trên các tuyến biên giới. Qua đó, thực hiện hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thực phẩm; không để thực phẩm "bẩn" tuồn vào nội địa, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ thực phẩm nhập lậu.
Tăng cường tuyên truyền cho nhân dân các xã biên giới không tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, nhất là buôn lậu thực phẩm "bẩn"; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng hải quan, quản lý thị trường, công an của tỉnh nhằm ngăn chặn tình trạng nhập lậu thực phẩm một cách đồng bộ ngay từ biên giới đến nội địa.
Cụ thể, tích cực kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở; khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, tập kết hàng hóa trong khu vực nội địa tỉnh và cả trên các tuyến đường lưu thông…; chủ động phối hợp các lực lượng liên quan thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vào trong nước.
Mặc dù đề ra nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng nhập lậu thực phẩm, nhưng giải pháp "then chốt" vẫn là lựa chọn những cán bộ, chiến sĩ có đủ phẩm chất, năng lực để bố trí vào các vị trí phù hợp; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức cho nhân dân về tác hại của thực phẩm "bẩn", từ đó không tham gia hoặc tiếp tay cho nhập lậu thực phẩm "bẩn"
Phần lớn các thực phẩm nhập lậu như chân gà và tim, chân, tai lợn… đều sử dụng hóa chất bảo quản, hầu hết là những chất cấm, gồm cả các tác nhân ung thư. Các hóa chất bảo quản sau khi vào cơ thể có thể gây ra một số triệu chứng như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu... nếu nhiễm nặng hơn, có thể ảnh hưởng đến gan, thận, thần kinh hoặc nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, phần lớn người ăn đều bị nhiễm chất độc hại ở mức tồn dư ít do chúng đã bị loại bỏ bớt trong quá trình chế biến, bởi thế, họ không biểu hiện triệu chứng, hoặc triệu chứng rất nhẹ và không để ý. Nguy hiểm là ở chỗ nếu thường xuyên ăn những thực phẩm loại này, các chất độc hại sẽ tích tụ lâu dài trong cơ thể và có thể gây ra nhiều bệnh lý trầm trọng gồm các loại ung thư, xơ gan, suy thận, vô sinh, tim mạch, tiểu đường, suy giảm trí nhớ...
TS, BS LÊ QUANG THỌ
Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ
Hiện nay tình trạng vận chuyển, buôn bán và kinh doanh thực phẩm nhập lậu vẫn diễn biến rất phức tạp, bởi lợi nhuận rất lớn. Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường, các phòng nghiệp vụ thường xuyên phối hợp lực lượng công an, Bộ đội Biên phòng kiểm tra, kiểm soát, nắm chắc nguồn tin để bắt giữ xử lý các đối tượng buôn lậu thực phẩm. Mục tiêu là ngăn chặn ngay từ khu vực biên giới; kiên quyết không để nội tạng, thực phẩm nhập lậu "xâm nhập" vào nội địa, chợ, nhà hàng, bếp ăn tập thể... gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh