Thực hiện nghiêm thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 4331/BHXH-TTKT gửi Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các tỉnh, thành phố) về việc tiếp tục thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về quản lý thu, thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính.
0:00 / 0:00
0:00
Công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục có những bước tiến vững chắc, mang lại những thay đổi đột phá.
Công tác chuyển đổi số của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục có những bước tiến vững chắc, mang lại những thay đổi đột phá.

Thời gian qua, việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn được quan tâm, chú trọng.

Hằng năm, căn cứ các quy định của pháp luật, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các văn bản liên quan đến công tác quản lý thu, thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính.

Đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; việc thực hiện các biện pháp sau khi thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật như xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thi hành đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính...

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã gửi văn bản đến các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, tăng cường chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã quyết liệt triển khai đồng bộ, linh hoạt các giải pháp thu, thanh tra, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp. Theo đó, tỷ lệ số tiền chậm đóng so với số phải thu giảm dần qua các năm, từ 3,75% (năm 2016) xuống còn 2,91% (năm 2022); quyền lợi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động được giải quyết bảo đảm đúng quy định.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, thanh tra chuyên ngành và xử phạt vi phạm hành chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, phố chú trọng, tiếp tục thực hiện hiện nghiêm các nội dung sau:

Một là, thực hiện đúng trách nhiệm “Tổ chức thực hiện thu, chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật” tại 3 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó, bảo đảm thu đúng, thu đủ mức đóng theo quy định. Việc tổ chức thu phải thực hiện đúng, đủ các biện pháp nghiệp vụ quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn – bệnh nghề nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế đã được quy định tại các văn bản, hướng dẫn của Ngành.

Đồng bộ thực hiện các giải pháp tăng thu, giảm số tiền chậm đóng, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Phối hợp chặt chẽ các ngành, các cấp đôn đốc, kiểm tra, công khai các đơn vị, cá nhân chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Nghiêm cấm tình trạng cố tình hoặc không phát huy hết tinh thần trách nhiệm để doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng kéo dài.

Hai là, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định và tuân thủ đúng quy trình, quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện. Ưu tiên thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp các đơn vị có số lao động nhiều, số tiền chậm đóng lớn hoặc nguy cơ chậm đóng cao ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động.

Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính về đối tượng, phương thức, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm, kịp thời. Quy trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính phải bảo đảm đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục...; việc xác định đối tượng bị xử phạt gắn với từng hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thẩm quyền xử phạt đối với từng chức danh của ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam phải được thực hiện đúng quy định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định của Chính phủ.

Ba là, riêng công tác xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trong trường hợp trước thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính đơn vị sử dụng lao động đã tự nguyện khắc phục toàn bộ số tiền vi phạm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện.

Trong thời gian chờ văn bản trả lời, Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện theo khung mức xử phạt tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), mức tối đa quy định tại điểm d khoản 1, khoản 2 Điều 24 Luật Xử lý Vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020) và khoản 1 Điều 6, khoản 5 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.

Đối với những tổ chức, cá nhân không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố kịp thời ra quyết định hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định và tổ chức cưỡng chế thi hành theo thẩm quyền quy định.

Bốn là, trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật Hình sự thì kịp thời lập hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều tra, khởi tố theo quy định.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố quán triệt, chỉ đạo đến từng cán bộ, viên chức để triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trên; kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm và gắn việc tuân thủ quy trình, quy định của pháp luật trong công tác quản lý thu, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính với công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.