Thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng xã hội lưu trữ

Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, sáng qua 24/5, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận ở tổ về hai dự án luật. (Ảnh DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại phiên thảo luận ở tổ về hai dự án luật. (Ảnh DUY LINH)

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Mở đầu phiên họp buổi sáng, thay mặt Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại ngõ 119 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội rạng sáng 24/5; đồng thời đề nghị Bộ Công an, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, dành mọi ưu tiên cao nhất để cứu chữa người bị thương, giúp đỡ gia đình người bị nạn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Chính phủ, các cơ quan hữu quan tăng cường chỉ đạo với công tác phòng cháy, chữa cháy trên cả nước; hướng dẫn và tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nâng cao cảnh giác, ứng phó kịp thời, không để xảy ra cháy, nổ.

Chia sẻ vấn đề này bên lề Kỳ họp thứ 7, nhiều đại biểu Quốc hội gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, đồng thời khẳng định cần có những giải pháp ngăn chặn hỏa hoạn hiệu quả hơn. Các đại biểu đề nghị cần có các giải pháp đồng bộ trước mắt và lâu dài, mang tính bắt buộc để có thể ngăn chặn nguy cơ các vụ việc đáng tiếc tương tự. Chính quyền địa phương phải có biện pháp mạnh tay, nếu rà soát trên địa bàn phát hiện những công trình tiềm ẩn nguy cơ đe dọa tính mạng người dân thì phải xử lý triệt để, có biện pháp ngăn chặn hiểm họa...

Đề cao tính tự chịu trách nhiệm của bộ, ngành

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 8 chương với 65 điều, đã bám sát mục tiêu, quan điểm đề ra khi xây dựng dự án Luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ...

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 lần này. Tại dự thảo Luật quy định bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước quy định cụ thể thời hạn lưu trữ hồ sơ, tài liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước sau khi có ý kiến của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (Đoàn Hà Nội) băn khoăn với quy định “phải có ý kiến của Bộ Nội vụ”, vì Bộ Nội vụ khó có thể có đủ nhân lực để nắm bắt được đặc thù quản lý nhà nước của mỗi bộ, ngành để cho ý kiến, trong khi cần có quy định đề cao tính tự chịu trách nhiệm của các bộ, ngành. Đại biểu đề nghị cần quy định theo hướng các bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quy định; sau đó gửi Bộ Nội vụ để tổng hợp, theo dõi và giám sát việc thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 tới đây, cần cân nhắc sửa đổi quy định về khái niệm tài liệu lưu trữ điện tử khác tại dự thảo Luật để phù hợp các khái niệm đã được giải thích trong Luật Giao dịch điện tử như thông điệp dữ liệu, phương tiện điện tử, bảo đảm tính toàn vẹn. Tại khoản 2, Điều 37 quy định tài liệu lưu trữ điện tử khác được chuyển đổi sang tài liệu lưu trữ số để bảo đảm tính xác thực lâu dài, thuận tiện cho quá trình quản lý, sử dụng và phát huy giá trị cần cân nhắc bỏ khoản 2, Điều 37 này để bảo đảm thống nhất với Luật Giao dịch điện tử.

Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về hoạt động dịch vụ lưu trữ; chứng chỉ hành nghề lưu trữ; tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ; quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ tư...

Tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tội phạm

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và tán thành với các nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Theo các đại biểu, việc sửa đổi Luật sẽ tăng cường công tác quản lý; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.

Đại biểu Nguyễn Văn Dương (Đoàn Tiền Giang) đề nghị ban soạn thảo làm rõ nội dung quy định tại khoản 4, Điều 3 về vũ khí thô sơ, vì liên quan Điều 32 dự thảo Luật về khai báo vũ khí thô sơ; nếu không khai báo sẽ bị xử phạt, còn nếu khai báo thì không biết khi nào là vũ khí khi nào không phải là vũ khí?

Quan tâm đến quy định khai báo vũ khí thô sơ tại Điều 32, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc quy định như vậy là cần thiết, nhằm tăng cường quản lý vũ khí thô sơ cũng như quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan sử dụng các loại vũ khí này…

Thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng xã hội lưu trữ ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh ĐĂNG KHOA)

Ngoài ra, với quy định vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm ở các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, đại biểu Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh, cần rà soát các quy định về quản lý, bảo quản, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị của hiện vật trong Luật Di sản văn hóa hiện hành và dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định “Trường hợp vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm ở các khu di tích lịch sử văn hóa, bảo tàng, ngoài việc thực hiện theo quy định của luật này, còn phải thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa và luật khác có liên quan” vào dự thảo Luật.

Theo Báo cáo số 133/BC-BCA-C06 ngày 16/1/2024 của Bộ Công an tổng kết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nêu một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nên chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong lĩnh vực này; vì vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đề nghị bổ sung quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, để bảo đảm rõ ràng, dễ theo dõi, dễ thực hiện, một số đại biểu đề nghị thiết kế một điều riêng trong Chương II quy định về các biện pháp cảnh vệ, bao gồm các nội dung bổ sung ở phần giải thích từ ngữ và các biện pháp cảnh vệ khác đã được nêu trong Luật; sau đó quy định biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với từng đối tượng cảnh vệ đang được thiết kế theo các quy định tại Chương II.

Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ giúp hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn)

Đề nghị quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ chuyên môn, đặc biệt là chế độ chính sách đối với cán bộ kiêm nhiệm làm công tác lưu trữ tại các cơ quan. Các cơ quan cần nghiên cứu quy định hợp lý chế độ ưu đãi ngành nghề, công việc đặc thù cho người làm lưu trữ kiêm nhiệm ở các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, để họ được hưởng chế độ này hay không, hay chỉ áp dụng cho người làm chuyên trách...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương)