Thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng

NDO - Để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng, bền vững, các cơ sở truyền máu cần phối hợp các cơ quan liên quan tập trung tham mưu các giải pháp bảo đảm nguồn máu an toàn, chất lượng cho điều trị, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.
0:00 / 0:00
0:00
TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia báo cáo kết quả hoạt động truyền máu.
TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia báo cáo kết quả hoạt động truyền máu.

Ngày 11/4, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức Hội nghị công tác truyền máu toàn quốc năm 2024 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động truyền máu toàn quốc năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, cán bộ làm công tác truyền máu cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đề xuất các giải pháp hướng tới phát triển dịch vụ máu an toàn, bền vững.

PGS,TS Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, kể từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm cả nước tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Bên cạnh hệ thống Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện được hình thành từ trung ương đến địa phương, đến nay cả nước có 5 trung tâm truyền máu khu vực được thành lập. Nhờ đó đã nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu và đặc biệt là công tác điều phối máu giữa các địa phương.

TS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho biết, đến nay cả nước có 77 cơ sở y tế (thuộc 44 tỉnh, thành phố) tham gia tiếp nhận máu, trong đó 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương, tuyến tỉnh thực hiện tiếp nhận máu thường xuyên và 29 cơ sở y tế tuyến huyện chủ yếu tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu.

Thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng ảnh 2

Các đại biểu dự hội nghị.

Năm 2023, toàn quốc đã tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu (gồm 1.481.729 đơn vị máu toàn phần và 106.161 đơn vị tiểu cầu gạn tách). Trung bình mỗi tháng tiếp nhận gần 130 nghìn đơn vị máu. Đáng chú ý, số lượng đơn vị máu tiếp nhận thể tích từ 350ml trở lên chiếm 66% tổng lượng máu tiếp nhận; tỷ lệ hiến máu nhắc lại chiếm gần 60%; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%.

Theo Thông tư 26/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn hoạt động truyền máu, tất cả các đơn vị máu tiếp nhận phải được xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B, viêm gan C, HIV, vi khuẩn giang mai. Trong đó, virus viêm gan B, viêm gan C, HIV được thực hiện đồng thời bằng cả kỹ thuật huyết thanh học và xét nghiệm sinh học phân tử (NAT).

Để bảo đảm chất lượng xét nghiệm và phù hợp vào điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở truyền máu, việc xét nghiệm sàng lọc máu được thực hiện theo hướng tập trung hóa. Cả nước hiện có 46 cơ sở truyền máu triển khai hoạt động sàng lọc máu, trong đó 14 cơ sở triển khai đồng bộ các kỹ thuật xét nghiệm theo quy định, sàng lọc cho hơn 1,3 triệu đơn vị máu (chiếm 84% lượng máu tiếp nhận); 32 cơ sở truyền máu còn lại chỉ thực hiện kỹ thuật huyết thanh học và gửi mẫu tới các Trung tâm lớn để thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT, hoặc gửi mẫu xét nghiệm sàng lọc toàn bộ đơn vị máu.

Từ kết quả máu tiếp nhận được và có kết quả sàng lọc an toàn, các cơ sở truyền máu điều chế được 2.901.141 chế phẩm máu theo nhu cầu, chủ yếu là khối hồng cầu với gần 1,5 triệu đơn vị (chiếm 51,7%), huyết tương 820.305 đơn vị (chiếm 28,2%) và các chế phẩm khác như: tủa lạnh giàu yếu tố VIII, khối tiểu cầu gạn tách, khối bạch cầu...

Thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng ảnh 3

PGS,TS Nguyễn Quang Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, trao đổi về các giải pháp bảo đảm chất lượng trong hoạt động truyền máu.

PGS,TS Nguyễn Quang Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng để công tác truyền máu an toàn, bền vững là quản lý chất lượng. Do vậy các cơ sở cần áp dụng ISO 9001 cho các cơ sở truyền máu; áp dụng chất lượng phòng xét nghiệm của Bộ Y tế và ISO 15189 cho phòng Xét nghiệm sàng lọc máu ở các Trung tâm tiếp nhận máu và phòng xét nghiệm cấp phát máu bệnh viện; kết nối dữ liệu người hiến máu giữa các trung tâm/bệnh viện trên toàn quốc...

Để tiếp tục duy trì, phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đề nghị Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và các cơ sở truyền máu phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Y tế, cơ quan liên quan tập trung tham mưu các giải pháp bảo đảm nguồn máu an toàn, chất lượng cho điều trị, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Đồng thời rà soát quy hoạch, hệ thống văn bản, cơ sở pháp lý liên quan đến phát triển dịch vụ máu để đề xuất chỉnh sửa cho phù hợp điều kiện thực tế; đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hướng đến dịch vụ truyền máu ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ máu an toàn, chất lượng ảnh 4

TS Nguyễn Trọng Khoa phát biểu tại hội nghị.

TS Nguyễn Trọng Khoa cũng đề nghị các đơn vị ứng dụng chuyển đổi số y tế và đồng bộ hệ thống dữ liệu quốc gia vào quản lý dịch vụ máu, trước hết là người hiến máu; phát triển phần mềm trong quản lý, nâng cao sự kết nối giữa các cơ sở truyền máu. Các trung tâm máu cần quan tâm đến việc đào tạo, tuyển chọn nhân lực làm công tác truyền máu; bảo đảm thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, hóa chất sinh phẩm, túi máu…