Nông nghiệp tuần hoàn là xu thế tất yếu
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tổng diện tích cây trồng của tỉnh khoảng 679.000 ha, gồm 320.000 ha cây trồng hằng năm và trên 350.000 ha cây trồng lâu năm. Với nhiều cây trồng có quy mô đứng đầu cả nước như cà-phê khoảng 212.000 ha, sầu riêng trên 32.000 ha, lúa trên 115.000 ha/năm và ngô khoảng 90.000 ha... nên nhu cầu phân bón hằng năm của tỉnh cũng rất cao, khoảng 1.227.000 tấn/năm, trong đó phân vô cơ chiếm 60%, phân hữu cơ chiếm 40%.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 1.223.000 tấn phế phụ phẩm như rơm rạ, thân, lá, lõi cây ngô, vỏ cà-phê, cồi tiêu, bã mía, bã sắn, vỏ sầu riêng… và khoảng 4 triệu tấn chất thải trong chăn nuôi được dùng để sản xuất phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tái sinh rất hiệu quả. Bình quân lượng phân bón sử dụng theo diện tích gieo trồng là 4 tấn/ha/năm, bao gồm cả phân bón hữu cơ sinh học và phân bón hữu cơ truyền thống tự sản xuất không thương mại.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển cho biết, hiện nay ngành nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như: Nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng… Thực tế đó dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững hơn về sử dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua nghiên cứu cũng như kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn là yêu cầu thực tiễn cấp bách và phù hợp, bởi nông nghiệp tuần hoàn không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng…
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở Đắk Lắk, mới đây tại thành phố Buôn Ma Thuột, Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp với Đại học Đông Á tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển nông nghiệp tuần hoàn: Kinh nghiệm trong nước và quốc tế”, thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh “Thực trạng phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn ở tỉnh Đắk Lắk và kiến nghị giải pháp” do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, nông nghiệp tuần hoàn đang là một xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt và lãng phí tài nguyên, đồng thời hướng đến phát triển bền vững. Nông nghiệp tuần hoàn được hiểu là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất.
Chất thải và phụ liệu của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác, nhằm tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Trọng tâm ưu tiên của chiến lược phát triển nông nghiệp tuần hoàn được dựa trên sinh khối, phân bón hữu cơ sản xuất từ chất thải nông nghiệp, tuần hoàn nước và sử dụng hiệu quả nguồn nước, ngăn chặn chất thải thực phẩm.
Tại Việt Nam, nông nghiệp tuần hoàn được xác định là một trong những ưu tiên trong phát triển nông nghiệp bền vững, phục vụ Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Việt Nam đã xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành và vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Các địa phương trong cả nước đang nỗ lực hưởng ứng chiến lược này và phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đa dạng, phong phú về hình thức, quy mô và hiệu quả sản xuất.
Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển chia sẻ: Với nguồn phụ phế phẩm nông nghiệp tương đối lớn, tỉnh Đắk Lắk đang khuyến khích phát triển mạnh các hình thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn nhằm tận dụng các phế phẩm nông nghiệp để tái sử dụng làm phân bón, thức ăn chăn nuôi theo vòng khép kín ngày càng phổ biến trên địa bàn tỉnh.
Điển hình là: Trang trại sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận quốc tế của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp Nhất Thống với diện tích 230 ha; vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất cà-phê với quy mô hơn 400 ha; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 107 ha; Dự án sản xuất lợn giống phẩm cấp cụ kỵ, ông bà với quy mô 2.000 con lợn nái sinh sản; hơn 29.000 ha cà-phê của tỉnh đã áp dụng sản xuất theo chứng nhận cà-phê bền vững 4C, UTZ, RA, FLO; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: trồng dưa lưới Nhật Bản, nấm Linh Chi, hoa lan ứng dụng công nghệ cao… Qua đó, đã giảm đáng kể chi phí đầu vào, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, đây là hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh hiện nay và trong thời gian tới.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Lan Hương cho biết, trên cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã có nhiều mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang triển khai hiệu quả trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Các mô hình mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm khí thải, giảm phá rừng, bảo đảm hệ sinh thái nông nghiệp và cải thiện chất lượng tài nguyên đất và nước…
Tuy nhiên, các mô hình nông nghiệp tuần hoàn đang ứng dụng quy mô sản xuất nhỏ lẻ và tập quán canh tác nông nghiệp tuyến tính chạy theo lợi nhuận trước mắt còn khó thay đổi, nên khả năng ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn không được phổ biến trên diện rộng. Người dân được tập huấn thực hành nông nghiệp tuần hoàn nhưng chưa có tư duy nông nghiệp hàng hóa nên các mô hình này phần lớn mang tính tự phát và học hỏi lẫn nhau. Nhận thức và tư duy về kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, sản phẩm nông nghiệp bảo vệ môi trường còn hạn chế.
Áp dụng kinh tế tuần hoàn nào là phù hợp chưa được nghiên cứu cụ thể, đánh giá đúng thực chất. Sản xuất theo chuỗi giá trị, có chứng nhận, đạt tiêu chuẩn chưa phổ biến nên khi áp dụng phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn gắn với tiêu thụ sản phẩm, đạt kết quả kinh tế cao đặt ra nhiều thách thức. Chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng nông nghiệp tuần hoàn ngoài tư duy, nhận thức còn cần đến khoa học kỹ thuật, công nghệ, tài chính… nhưng hiện nay còn hạn chế, khó tiếp cận.
Tại Hội thảo khoa học “Phát triển nông nghiệp tuần hoàn: Kinh nghiệm trong nước và quốc tế”, các nhà khoa học đề xuất tỉnh Đắk Lắk cần hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn; nghiên cứu phát triển và làm chủ các công nghệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động nghiên cứu, triển khai công nghệ xử lý phụ phẩm trong nông nghiệp, đầu tư nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phụ phẩm nông nghiệp; thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, các tổ chức, từng hộ nông dân vào chuỗi giá trị nông sản tuần hoàn về dinh dưỡng, tuần hoàn nước, tuần hoàn năng lượng, tuần hoàn phụ phẩm; các mô hình tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên đất, nước, năng lượng.
Tỉnh cũng cần huy động, xúc tiến các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng các tiêu chí nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chú trọng các dự án có tính chất liên lĩnh vực, liên kết vùng gắn với giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu; phối hợp với các tổ chức, chuyên gia quốc tế hỗ trợ các địa phương trong việc tích hợp các nội dung phát triển nông nghiệp tuần hoàn trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương…