Nỗ lực thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, trên địa bàn tỉnh có 332.398 trẻ em, chiếm 20,77% dân số địa phương. Trong số này, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 3.275 trẻ, chiếm tỷ lệ 0,99% trên tổng số trẻ em; trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt 34.045 trẻ, chiếm tỷ lệ 10,24% trên tổng số trẻ em; trẻ em có hoàn cảnh khác 17 trẻ, chiếm 0,005% trên tổng số trẻ em; trẻ em trong hộ gia đình bình thường 295.061 trẻ, chiếm tỷ lệ 67,995% trên tổng số trẻ em.
Cơ quan này cho hay, để xây dựng và phát triển các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh, sự hiểu biết sâu sắc về quyền trẻ em, cũng như các phương pháp phù hợp tình hình thực tế từng thời điểm, từng địa phương.
Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã tích cực triển khai một số giải pháp thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trên địa bàn.
Trước hết là chú trọng các hoạt động nâng cao nhận thức về quyền trẻ em.
Cụ thể, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch giai đoạn về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và các văn bản hướng dẫn, tăng cường các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác trẻ em, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trong các vấn đề liên quan đến trẻ em.
Đồng thời, tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ ngành, đoàn thể liên quan các cấp, tổng phụ trách Đội tại các cơ sở giáo dục, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về Luật Trẻ em và quyền tham gia của trẻ; triển khai đến cấp huyện, xã và các trường học nội dung Thông tư số 36/2018/TT BLĐTBXH ngày 26/12/2018 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.
Các sở, ngành, đoàn thể, cơ quan báo chí trong tỉnh luôn tăng cường các hoạt động tuyên truyền các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em nhằm thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
Cơ quan này cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trong trường học nhằm nâng cao nhận thức; cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em.
Tiếp đó là hoạt động tăng cường công tác phối hợp liên ngành.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội ký kế hoạch liên ngành với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Đồng Tháp triển khai thực hiện các hoạt động liên quan đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.
Đó là: tổ chức lớp tập huấn cho nhóm trẻ em nồng cốt về kỹ năng truyền thông và kỹ năng nhận diện các vấn đề của trẻ em để các em thực hiện truyền thông dưới cờ hoặc tổ chức sinh hoạt nhóm tại trường học; tổ chức các hội thi thông qua internet và trực tiếp cho học sinh về phòng, chống xâm hại, bạo lực, đuối nước, lao động trẻ em, an toàn trên môi trường mạng...; tổ chức hội thi và triển khai các mô hình trẻ em khởi xướng tại các cơ sở giáo dục.
Qua đó, tạo cho trẻ em hứng thú và tích cực tham gia với các hoạt động do chính các em đề ra và thực hiện, góp phần tạo môi trường an toàn hơn cho trẻ em.
Hằng năm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát ý kiến mỗi năm từ 15.000 đến 20.000 trẻ em trong trường học thông qua mạng internet về các vấn đề liên quan đến thực hiện quyền trẻ em và vấn đề trẻ em quan tâm trong toàn tỉnh. Hoạt động này nhằm cập nhật tình hình và đánh giá được sự hiểu biết, sự quan tâm của trẻ em để phối hợp các ngành, cũng như tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện các hoạt động đáp ứng nhu cầu thực tế và nguyện vọng chính đáng của trẻ em.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn trẻ em các cấp trong tỉnh 2 năm một lần.
Qua đây, hàng nghìn trẻ em được thảo luận các vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống, đến sự phát triển của mình để trình bày ý kiến, nguyện vọng với các cấp lãnh đạo và được các ngành tiếp thu bổ sung, điều chỉnh hoặc tăng cường các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của trẻ em.
Duy trì hoạt động câu lạc bộ trẻ em tại 100% xã, phường, thị trấn để trẻ em ở cộng đồng thường xuyên được tham gia hoạt động sinh hoạt nhóm, trẻ có điều kiện trình bày ý kiến, phát huy năng khiếu, được cập nhật kiến thức, kỹ năng phòng tránh các nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em.
Tiếp nữa, thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em.
Thường niên, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đều tổ chức tập huấn, sinh hoạt nhóm trẻ em khuyết tật tại các xã, phường, thị trấn và trẻ em tại các cơ sở trợ giúp xã hội, giúp trẻ tự tin, vượt qua tự ti, mặc cảm và những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Ngoài ra, còn có các hoạt động tập huấn, sinh hoạt nhóm cung cấp kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh các nguy cơ cho gần 10.000 trẻ em tại 100% xã, phường, thị trấn.
Cuối cùng, tăng cường hoạt động chuyên môn nhằm bảo đảm quyền lợi, sự an toàn và sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Mỗi năm, cộng tác viên công tác xã hội cấp xã lập hồ sơ quản lý trường hợp, lập kế hoạch can thiệp, hỗ trợ từ 300 đến 500 trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại, mất nguồn nuôi dưỡng, quá trình xây dựng kế hoạch can thiệp, hỗ trợ đều quan tâm đến việc xác định đúng nhu cầu của trẻ thông qua trực tiếp trao đổi, lấy ý kiến của trẻ và gia đình. Hoạt động này đã giúp các em ổn định, phòng tránh được các nguy cơ bị xâm hại và nguy cơ bỏ học.
Những kết quả bước đầu
Nhìn chung, chương trình “Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp” đã đạt được những kết quả nhất định.
Thành công này có được nhờ sự quan tâm, chỉ đạo định hướng kịp thời của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng như của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Nhận thức của lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, của các bậc cha mẹ và cộng đồng dân cư về quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em được nâng lên.
Nhiều trẻ em được tham gia vào các hoạt động mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tại địa phương. Trẻ em được chia sẻ sự hiểu biết và được bày tỏ quan điểm, ý kiến nguyện vọng của mình; được tham gia đề xuất các ý kiến để xây dựng các chính sách phù hợp với trẻ em và chia sẻ những kinh nghiệm hay trong học tập, trong cuộc sống để rèn luyện bản thân.
Từ kết quả này, cơ quan phụ trách về lĩnh vực trẻ em ở Đồng Tháp cũng chia sẻ sáu bài học kinh nghiệm để đạt được thành công trên.
Trong đó, nổi bật là tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức, kỹ năng của cộng đồng về quyền trẻ em và vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ và phát triển trẻ em nhằm khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, gia đình và chính trẻ em.
Song hành với đó là cải thiện hệ thống giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ và phát triển trẻ em. Các kết quả giám sát cần được công khai và sử dụng để điều chỉnh, cải thiện các chương trình, chính sách liên quan.
Thêm vào đó, bảo đảm nguồn lực tài chính và con người đầy đủ cho các hoạt động bảo vệ và phát triển trẻ em. Có chính sách ưu đãi hơn và bố trí ổn định người làm công tác trẻ em cấp huyện, xã và khóm ấp, hạn chế việc điều chuyển, thay đổi.
Hơn nữa, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em qua việc đẩy mạnh việc lắng nghe ý kiến của trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Tiếp tục và tạo điều kiện để duy trì hiệu quả và nhân rộng hoạt động mô hình do trẻ em khởi xướng, tạo động lực thúc đẩy và tôn trọng quyền tham gia của trẻ em. Thu hút, vận động và nhân rộng hoạt động của các mô hình trẻ em khởi xướng. Lưu ý đến các nhóm trẻ yếu thế, trẻ khuyết tật, trẻ thuộc nhóm có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nhóm trẻ được nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trẻ ở vùng nông thôn, biên giới và tạo điều kiện để cả bé trai và bé gái đều được tham gia đầy đủ và công bằng. Trong tuyên truyền, tập huấn luôn áp dụng hình thức cùng tham gia, lấy trẻ em làm trung tâm, với nội dung truyền tải có chiều sâu, giúp trẻ dễ hiểu, dễ tham gia và dễ áp dụng.
Trong thời gian tới, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp đề xuất tăng cường công tác truyền thông, phổ biến giáo dục pháp luật, về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trọng tâm về phòng chống tai nạn giao thông, đuối nước trẻ em; bạo lực và xâm hại trẻ em, an toàn trên môi trường mạng, phòng tránh bạo lực học đường và phòng chống tình trạng và nguy cơ thừa cân béo phì ở trẻ em các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, cổng/trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho từng nhóm đối tượng.
Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chính quyền các cấp, cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, cộng tác viên, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em để nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
Tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ bảo vệ trẻ em, Văn phòng tư vấn tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; nhân rộng các mô hình, điểm tư vấn trẻ em tại cộng đồng và các trường trung học cơ sở; tăng cường vận động xã hội hóa các hoạt động, dịch vụ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.