Hướng tới một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em

NDO - Tại Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2023, các đại biểu trẻ em cũng đã gửi những thông điệp nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em tại Diễn đàn này được xem xét, tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thiếu nhi dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy năm 2023. (Ảnh: Nhật Quang)
Các đại biểu thiếu nhi dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy năm 2023. (Ảnh: Nhật Quang)

Nhiều mô hình ý nghĩa có sự tham gia của trẻ em

Ngày 8/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức phiên gặp mặt và giao lưu với trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em”.

Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy diễn ra từ ngày 5 đến 8/8.

Hướng tới một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: Nhật Quang)

Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; đại diện nhiều bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương, tổ chức trong nước và quốc tế. Đặc biệt, chương trình có sự tham gia của188 đại biểu trẻ em nhỏ tuổi đến từ 43 tỉnh, thành phố cùng 4 cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em cả nước.

Trong những năm qua, cả nước đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình để sự tham gia của trẻ em có ý nghĩa. Cụ thể như: Diễn đàn trẻ em các cấp, Hội đồng trẻ em các tỉnh, huyện, nhóm trẻ em nòng cốt tại cộng đồng dân cư, câu lạc bộ quyền trẻ em… và nhiều mô hình cho trẻ em hơn nữa.

Phát biểu trong phiên giao lưu và gặp mặt tại Diễn đàn trẻ em quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, việc lựa chọn chủ đề của Diễn đàn trẻ em quốc gia năm rất đặc biệt. Để tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em, các bộ, ngành, các cơ quan đoàn thể ở trung ương và các địa phương, các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục lắng nghe thêm, xem xét và đáp ứng ý kiến của trẻ em. Cần tăng cường sự phối hợp cả 3 yếu tố: gia đình - nhà trường và xã hội để dành những điều tốt nhất cho trẻ em.

Phó Thủ tướng nêu rõ, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa an toàn trên môi trường mạng, sớm có giải pháp ngăn chặn các nội dung xấu độc trên môi trường mạng với lứa tuổi thiếu niên-nhi đồng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, một số bộ, ngành, tổ chức ở địa phương trong những năm qua đã triển khai, nhân rộng nhiều mô hình để sự tham gia của trẻ em có ý nghĩa. Cụ thể như: Diễn đàn trẻ em các cấp, Hội đồng trẻ em các tỉnh, huyện, nhóm trẻ em nòng cốt tại cộng đồng dân cư, câu lạc bộ quyền trẻ em… và nhiều mô hình cho trẻ em hơn nữa. Qua đó, góp phần tạo dựng nên thế hệ công dân Việt Nam tự tin,có trách nhiệm sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ ngay từ khi còn nhỏ tuổi vì sự phồn vinh, trường tồn của đất nước, vì sự tiến bộ của xã hội.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, công tác trẻ em là một sự nghiệp vô cùng lớn lao và hệ trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài và từ những việc làm cụ thể.

Hướng tới một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em ảnh 2

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chia sẻ tại Diễn đàn. (Ảnh: Nhật Quang)

Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm. Con số này của năm 2022 còn khoảng 6,8%.

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong khuôn khổ Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy, các đại biểu trẻ em đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan đến trẻ em. Đó là: Trẻ em tham gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; Trẻ em tham gia phòng, chống, giảm thiểu tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông; Trẻ em tham gia bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Trẻ em tham gia phòng, chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai; Trẻ em tham gia phòng, chống trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Đặc biệt, các đại biểu trẻ em được tham dự lễ báo công bên Lăng Bác Hồ, thăm quan Nhà Quốc hội cũng như giao lưu, gặp gỡ với một số cơ quan, bộ, ngành tại Hà Nội.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em có xu hướng giảm. Con số này của năm 2022 còn khoảng 6,8%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp tăng hằng năm, đạt 74% vào năm 2022.

Số trẻ em tử vong do đuối nước giảm qua các năm, với mức giảm khoảng 100 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ở mức độ cao. Hiện nay, cả nước có khoảng 6 triệu ngôi nhà an toàn, 26 nghìn trường học an toàn và 300 nghìn cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.

Thời gian qua:

- Có 17.511 diễn đàn trẻ em các cấp; với hơn 1,7 triệu lượt trẻ em tham gia;

- Thành lập 17 mô hình Hội đồng trẻ em cấp tỉnh; 33 mô hình Hội đồng trẻ em cấp huyện;

- 35.118 câu lạc bộ trẻ em do Đoàn thanh niên thành lập và chỉ đạo hoạt động thu hút khoảng 1.756.000 lượt trẻ em tham gia.

- Có khoảng 33,6 nghìn chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện với gần 5 triệu lượt trẻ em tham gia…

(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Tại phiên gặp mặt, giao lưu của Diễn đàn trẻ em, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong công tác trẻ em đã lần lượt trả lời nhiều câu hỏi từ các đại biểu nhỏ tuổi về những vấn đề thời sự được các em quan tâm. Cụ thể như: vấn đề giảm tình trạng bạo lực, xâm hại đối với trẻ em; tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; công tác điều trị tâm lý cho trẻ em là nạn nhân của xâm hại, bạo lực; công tác tư vấn học đồng; vấn nạn thiếu trường-lớp...

Những thông điệp từ trẻ em

Hướng tới một môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em ảnh 3

Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu trẻ em dự Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ bảy. (Ảnh: Nhật Quang)

Tại Diễn đàn, các đại biểu trẻ em cũng đã trao những thông điệp tới đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Trong thông điệp từ Diễn đàn, các em mong muốn người lớn hãy lắng nghe trẻ em để hiểu rõ các vấn đề của trẻ em và tác động tới trẻ em khi ra các quyết định.

Cùng với đó, Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức định kỳ gặp mặt, tiếp xúc với trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em và tổ chức thêm các hoạt động lấy ý kiến của trẻ em về các giải pháp, thông tin, góc nhìn của trẻ em đối với các vấn đề của trẻ em.

Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức các buổi tập huấn dành cho các cán bộ về quyền trẻ em để các bác hiểu hơn về trẻ em cũng như có thể huy động trẻ em tham gia đề xuất các sáng kiến, giải pháp giải quyết vấn đề liên quan đến trẻ em.

Các em cũng mong có nhiều hơn những chính sách và các hoạt động nâng cao nhận thức cho cha mẹ và trẻ em để phòng ngừa, ngăn chặn tảo hôn.

Các thầy giáo, cô giáo nâng cao nhận thức của các bạn học sinh và gia đình về tầm quan trọng của việc học, động viên, hỗ trợ các bạn có ý định bỏ học và các bạn có hoàn cảnh khó khăn trong học tập.

Nhà trường tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng phòng tham vấn học đường và hỗ trợ tâm lý cho học sinh.

Thành lập các câu lạc bộ nòng cốt trong trường học để kịp thời phát hiện và hỗ trợ giữa các học sinh.

Đưa nội dung an toàn trên môi trường mạng, bảo vệ trẻ em, giáo dục giới tính trong trường học vào sách giáo khoa.

Trẻ em được tạo thêm nhiều kênh thông tin, truyền thông để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.

Tất cả trẻ em, đặc biệt là các bạn khuyết tật, được tiếp cận với môi trường mạng một cách an toàn và lành mạnh nhất.

Phát triển các sản phẩm truyền thông thân thiện, hữu ích với trẻ em khuyết tật, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Xây dựng tính năng kiểm duyệt và sàng lọc thông tin trên mạng; xử lý nghiêm những người lừa đảo và xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Cuối cùng là tổ chức nhiều hơn hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em.

Các đại biểu đại diện cho trẻ em hy vọng, những thông điệp, mong muốn kiến nghị này được các cơ quan, tổ chức thường xuyên xem xét, đáp ứng và phản hồi cho chúng cháu.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với trách nhiệm được Chính phủ giao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tập hợp các ý kiến, thông điệp, khuyến nghị của trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia và Diễn đàn trẻ em các địa phương để cùng với các bộ, ngành, tổ chức có liên quan xem xét, giải quyết. Những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của các em tại Diễn đàn này được xem xét, tiếp thu, cập nhật trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án liên quan tới trẻ em.