Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar, Brunei

ND - Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono, Tổng thống Cộng hòa Philippines Gloria Macapagal Arroyo, Thủ tướng Cộng hòa Singapore  Lý Hiển Long, Thủ tướng Liên bang Myanmar Soe Win và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, ngày 8-8 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu thăm chính thức các nước Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar và Brunei.

Ðây là chuyến thăm chính thức lần đầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới các nước này kể từ khi nhậm chức, cũng là chuyến thăm các nước ASEAN của lãnh đạo mới của các nước thành viên Hiệp hội.

Trong bối cảnh quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar, Brunei phát triển tốt đẹp, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Ðại hội lần thứ X của Ðảng và trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII là tiếp tục coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng và khu vực, đáp ứng lợi ích của mỗi nước.

Diễn ra đúng dịp nhân dân các nước Ðông - Nam Á sôi nổi kỷ niệm lần thứ 40 Ngày thành lập ASEAN, chuyến thăm nêu bật quyết tâm của Chính phủ và nhân dân ta cùng Chính phủ và nhân dân các nước Ðông - Nam Á làm hết sức mình xây dựng ASEAN thành một cộng đồng ngày càng gắn kết và vững mạnh hơn, vì lợi ích của các dân tộc trong đại gia đình ASEAN - 10, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở châu Á -Thái Bình Dương và trên thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng mang đến nhân dân các nước tình cảm hữu nghị thắm thiết, chia sẻ niềm tự hào về những thành tựu to lớn thu được trong chặng đường phát triển đất nước đã qua.

Indonesia, quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới với hơn 17.500 hòn đảo chuẩn bị kỷ niệm  lần thứ 62 Quốc khánh (17-8-1945 - 17-8-2007) trong niềm phấn khởi và tự hào đã thu nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, mặc dù phải vượt qua không ít khó khăn. Những năm gần đây kinh tế dần phục hồi sau khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á, các chỉ số vĩ mô được cải thiện, năm 2006 đạt tăng trưởng khá 5,5%. Xuất khẩu thu hơn 90 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đạt hơn 40 tỷ USD, FDI hơn  14 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế... được đẩy mạnh. An ninh chính trị được củng cố và tăng cường.

Quan hệ hợp tác Việt Nam - Indonesia kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1955 phát triển tốt đẹp, được nâng lên tầm cao mới từ năm 2003 với việc hai nước ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác hữu nghị và toàn diện trong thế kỷ 21. Hai bên thực hiện tốt 19 hiệp định, thỏa thuận  hợp tác đã ký. Kim ngạch  thương mại hai chiều tăng dần, đạt 1,7 tỷ USD năm 2006, bốn tháng đầu năm nay đạt gần 930 triệu USD. Tính đến tháng 6-2007, Indonesia đầu tư vào nước ta 137,5 triệu USD với 13 dự án. Việt Nam đầu tư sang Indonesia chủ yếu trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí. Việc hai nước sớm thông qua Chương trình Hành động để triển khai thực hiện Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác góp phần quan trọng nâng quan hệ hai bên trở thành đối tác chiến lược và toàn diện trong thời gian tới.

Philippines khá giàu tài nguyên thiên nhiên, sau hàng chục năm thực hiện các chiến lược "thay thế nhập khẩu", "Hướng vào xuất khẩu", từ năm 1992 triển khai  phương châm ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, gần đây kinh tế phát triển tương đối khá với nhịp độ tăng trưởng 5 - 5,5%/năm; năm 2006 đạt giá trị xuất khẩu 47 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 1.080 USD.

Việt Nam và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1976. Thời gian gần đây quan hệ hợp tác giữa hai bên phát triển tốt đẹp theo tinh thần Khuôn khổ hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo, được lãnh đạo hai nước ký năm 2002. Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng  từ 439 triệu USD năm 1999 lên gần 1,2 tỷ USD năm 2006, phấn đấu đạt hai tỷ USD năm nay.

Việt Nam xuất khẩu sang Philippines gạo,  nông sản, linh kiện điện tử, nhập về máy móc, thiết bị, phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng, phân bón. Ðến hết năm 2006, Philippines có 25 dự án đầu tư với số vốn 250 triệu USD, đứng thứ tư trong các nước ASEAN đầu tư vào nước ta. Hai nước thực hiện tốt 28 hiệp định, thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đang mở rộng  nhiều lĩnh vực hợp tác mới mà hai bên có tiềm năng và nhu cầu, đáp ứng lợi ích của cả hai nước.

Singapore, một quốc đảo nhỏ gồm 54 hòn đảo, rộng chưa đầy 700 km2, tài nguyên thiên nhiên chỉ có cá và cảng nước sâu, nhưng chẳng bao lâu sau Ngày Ðộc lập (9-8-1965) đã trở thành "Con hổ kinh tế châu Á", với tốc độ tăng trưởng GDP vào loại cao nhất thế giới, năm 1994 đạt 10%; năm 2000 đạt giá trị xuất khẩu kỷ lục 382 tỷ USD, có thu nhập bình quân khoảng 25.000 USD/người.

Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang kinh tế tri thức và đang thực hiện kế hoạch đến năm 2018 biến quốc đảo hơn 4,2 triệu dân này thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế châu Á và toàn cầu, một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm kinh doanh. Singapore và Việt Nam lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20 với việc triển khai thực hiện chín hiệp định, thỏa thuận hợp tác đã ký, quan hệ giữa hai nước phát triển nhanh.

Năm 2004, hai bên ký Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện trong thế kỷ 21 tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đi vào chiều sâu với chất lượng cao hơn. Từ năm 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch buôn bán hai chiều năm 2006 đạt 7,7 tỷ USD (năm 1998 là 3,3 tỷ USD). Ðến tháng 2-2007, Singapore có 459 dự án đầu tư tại nước ta với số vốn đăng ký 8,3 tỷ USD. Sáng kiến kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore do Thủ tướng Gô Chốc Tông đưa ra năm 2004 tạo môi trường chính sách thuận lợi để phát huy hiệu quả cao nhất trong quan hệ hợp tác song phương cũng như với nước thứ ba.

Myanmar là đất nước giàu tài nguyên, giành độc lập năm 1948, nhưng con đường phát triển gặp không ít khó khăn do các vấn đề lịch sử tồn đọng. Từ khi tiến hành cải cách kinh tế năm 1988, tình hình dần được cải thiện; trong Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (1996- 2001), GDP tăng 6%/năm; đã thu hút được hơn 7,4 tỷ USD vốn đầu tư từ 25 nước và vùng lãnh thổ vào 25 dự án; đang thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế mười năm (2001-2011) với mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 7,2%/năm.

Myanmar và Việt Nam có quan hệ rất sớm, từ năm 1947. Thủ tướng U Nu thăm Việt Nam năm 1954 và năm 1958 Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Myanmar là những dấu ấn sâu đậm trong quan hệ hai nước. Những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt được thúc đẩy, giao lưu kinh tế - thương mại khởi sắc, năm 2006 đạt kim ngạch hai chiều khoảng 70 triệu USD (tăng 21% so với năm 2005); bốn tháng đầu năm nay đạt 23,4 triệu USD, phấn đấu đạt 100 triệu USD cả năm.

Brunei, quốc gia trẻ nhất trong ASEAN - 10, tuyên bố độc lập năm 1984. Nhờ khai thác tốt nguồn tài nguyên phong phú gồm dầu mỏ, khí đốt, gỗ. Ðất nước chỉ có 374 nghìn dân này đã tạo nên nền kinh tế khá thịnh vượng, đang xúc tiến nỗ lực thu hút 4,5 tỷ USD vào năm 2008 để phát triển các ngành chế tạo, xây dựng một cảng công-ten-nơ lớn, trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt Việt Nam -Brunei phát triển tốt đẹp. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, thiết lập một  số cơ chế hợp tác,  đang từng bước nâng quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư còn ở mức thấp (kim ngạch buôn bán hai chiều đạt khoảng hai triệu USD/năm; Brunei có 37 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn 125,8 triệu USD) lên tương xứng quan hệ chính trị tốt đẹp.

Là những nước đang phát triển, Việt Nam và các nước Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar, Brunei luôn dành cho nhau sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu, chia sẻ và bổ sung cho nhau kinh nghiệm phát triển, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước. Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là dịp các nhà lãnh đạo thảo luận, nhất trí những định hướng lớn đưa quan hệ hợp tác song phương lên bước phát triển mới, vì lợi ích của mỗi dân tộc.

Cùng là thành viên Hiệp hội các quốc gia Ðông - Nam Á (ASEAN), Việt Nam và các nước Indonesia, Philippines, Singapore, Myanmar, Brunei luôn có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các tiến trình hợp tác của Hiệp hội. Thành công chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần quan trọng đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước nói trên lên bước phát triển mới theo tinh thần đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, khẳng định "Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển".