Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, đã khẳng định vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống, coi văn hóa là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, thành phố đã có nhiều giải pháp để khai thác giá trị văn hóa vào quá trình phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa, khai thác giá trị làng nghề, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Thành phố kiến tạo nhiều không gian sáng tạo, như: không gian đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội. Đặc biệt, việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019, thể hiện một tư duy mới trong chiến lược phát triển Thủ đô.
Tuy nhiên, do công nghiệp văn hóa là khái niệm mới, cho nên quá trình thực hiện còn nhiều lúng túng. Thành phố vẫn thiếu cơ chế, chính sách để công nghiệp văn hóa phát triển; thị trường văn hóa phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế.
Tại buổi tọa đàm, 12 ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực, như: âm nhạc, mỹ thuật, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn… đã nêu lên các tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, hạn chế và những đóng góp thiết thực cho việc phát triển công nghiệp hoá trên địa bàn Thủ đô.
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu và giới nghệ sĩ đã chỉ rõ những hạn chế cần khắc phục. Thí dụ như những ưu đãi, những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào văn hóa; khuyến khích các đơn vị văn hóa ngoài quốc doanh tham gia các hoạt động văn hóa của thành phố.
Thành phố còn thiếu những hạ tầng cho các hoạt động văn hóa, sáng tạo phát triển. Hạ tầng này gồm địa điểm, điều kiện kết nối, những hỗ trợ về quảng bá cho các doanh nghiệp, cá nhân triển khai các hoạt động văn hóa, sáng tạo. Thành phố cũng chưa đánh giá đúng mức vấn đề thị trường văn hóa trong chính sách phát triển công nghiệp văn hóa. Do đó, chưa lắng nghe thị trường trong phát triển…
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, để có thể thực hiện tốt việc phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, thành phố sẽ chú trọng vào một số phần việc như: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất, hoàn chỉnh các quy hoạch văn hóa (nhà hát, quảng trường, bảo tàng...); hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp; tạo ra một hệ sinh thái văn hóa sáng tạo bao gồm thị trường văn hóa, đưa vào hệ thống giáo dục để đào tạo một thế hệ công chúng biết trân trọng giá trị văn hóa truyền thống và biết hưởng thụ văn hóa hiện đại thế giới; quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực...
Đây là việc làm dài hơi và cần có sự đầu tư bài bản, lâu dài, vì thế, thành phố đã xây dựng chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô gồm nhiều giai đoạn với những nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn.