Thúc đẩy kết nối và hình thành các chuỗi liên kết nông sản giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên

NDO - Sáng 11/4, tại thành phố Kon Tum, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum phối hợp Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị “Trao đổi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, quy trình nuôi trồng, nhân giống, chế biến bảo quản đối với các loại cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực); nấm dược liệu và nấm ăn các tỉnh vùng Tây Nguyên".
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Tây Nguyên là vùng có diện tích lớn thứ ba cả nước, nơi có tính đa dạng sinh học rất cao và giàu tiềm năng để phát triển kinh tế-xã hội. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, các tỉnh Tây Nguyên đã phát triển mạnh mẽ các loại rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp và cây dược liệu chất lượng cao. Qua đó, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu như cà-phê, hồ tiêu, chanh dây, điều và mắc ca, cao-su.

Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu, tiêu thụ nông sản của Tây Nguyên vẫn còn thấp, chưa xứng tầm với những tiềm năng, lợi thế vốn có. Sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm trên thị trường chưa cao do tính liên kết vùng trong các chuỗi giá trị còn thấp.

Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm phát triển kinh tế-xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói riêng và cả nước nói chung, cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực và thế giới. Đồng thời cũng là nơi có tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị cao chiếm 18,85%/năm. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố ngày càng lớn mạnh gồm khoảng 2.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm 50% số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp của cả nước; là nơi tập trung nguồn lực lớn về khoa học và công nghệ, cũng là nơi có thị trường tiêu thụ lớn nhất trong cả nước.

Việc hợp tác trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, thúc đẩy kết nối và hình thành nên các chuỗi liên kết nông sản giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên là hướng đi triển vọng, trên cơ sở phát huy lợi thế của các địa phương.

Thúc đẩy kết nối và hình thành các chuỗi liên kết nông sản giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá các thành tựu về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ sinh học phục vụ nhân giống, nuôi trồng và bảo quản, chế biến các loại cây trồng (cây dược liệu, cây ăn quả, cây lương thực); nấm dược liệu và nấm ăn của các tỉnh vùng Tây Nguyên; Bài học kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học của Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ đó, đề xuất các nhiệm vụ và giải pháp để thúc đẩy hơn nữa việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đối với sự phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung của các tỉnh Tây Nguyên; cũng như tăng cường hợp tác, kết nối giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với Thành phố Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp nhấn mạnh việc tổ chức Hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm đánh giá kết quả triển khai hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nấm dược liệu và nấm ăn của các tỉnh của vùng Tây Nguyên; qua đó, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp; cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý nông nghiệp công nghệ cao giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên

Ban tổ chức Hội nghị đã nhận được 14 bài viết tham luận theo đúng các yêu cầu, mục tiêu và chủ đề của Hội nghị. Trong đó, tập trung phân tích những kết quả, thành tựu đã đạt được trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học tại các đơn vị thuộc các tỉnh vùng Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh trên các đối tượng rau ăn lá, rau ăn quả, cây lương thực, cây ăn quả, cây dược liệu, nấm ăn và nấm dược liệu; các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ nổi bật; các mô hình sản xuất, mô hình trình diễn tiêu biểu trong hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị; các khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp, định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học trong thời gian tới.

Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đã khẳng định “phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân".