Chuyển biến tích cực trong phủ xanh đất trống ở Kon Tum

Tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên hơn 967 nghìn ha, trong đó diện tích có rừng là gần 610 nghìn ha, độ che phủ rừng đạt hơn 63%. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp và nhân dân cho nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Kon Tum hướng dẫn người dân chăm sóc cây rừng.
Lực lượng Kiểm lâm tỉnh Kon Tum hướng dẫn người dân chăm sóc cây rừng.

Theo chân anh A Din, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà đi phát dọn thực bì, phòng chống cháy rừng trong những ngày cao điểm mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi được anh giới thiệu hơn 10 ha rừng phát triển xanh tốt của gia đình được giao khoán.

Anh A Din cho biết, mỗi tuần anh tham gia bảo vệ, thăm rừng một đến hai lần. Vì tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng cho nên rừng ngày càng xanh tốt, anh cảm thấy công sức mình bỏ ra rất xứng đáng, góp phần vào việc phủ xanh những đồi trọc. Về cây giống để trồng rừng chủ yếu là cây keo và bạch đàn cự vĩ, thì hộ gia đình anh được xã cung cấp toàn bộ, gia đình anh còn được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc.

"Từ khi có dịch vụ bảo vệ rừng và sự tuyên truyền của cán bộ, người dân trong xã đã biết quý trọng rừng, bảo vệ rừng để tạo ra sinh kế cho mình, tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng nhiều hơn. Tùy vào diện tích rừng, mỗi hộ dân được tham gia bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ bảo vệ môi trường rừng khoảng năm đến bảy triệu đồng/năm", anh A Din cho biết thêm.

Những năm gần đây, tỉnh Kon Tum triển khai mô hình cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ rừng và giao cho hộ gia đình quản lý bảo vệ rừng. Qua thực hiện cho thấy mô hình này rất hiệu quả. Việc cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ rừng đã gắn được với phong tục, tập quán địa phương.

Người dân nâng cao nhận thức trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời, họ được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng từ diện tích tự bảo vệ, giúp có thêm nguồn thu, bảo đảm một phần nhu cầu cuộc sống. Từ đó, cộng đồng dân cư có thể thực hiện những công trình cộng đồng như tu sửa nhà rông, làm những công trình cộng đồng ở trong thôn, trong làng... cho nên người dân rất hưởng ứng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ui Đinh Thư cho biết, xã có 274 hộ nhận giao khoán, quản lý hơn 2,3 nghìn ha rừng, được hưởng theo chế độ dịch vụ môi trường rừng. Quỹ Dịch vụ môi trường rừng đã có tác dụng hiệu quả, thay đổi nhận thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Thời gian qua, nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tăng cường đấu tranh, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng; thường xuyên rà soát, xác định, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm; đồng thời, chỉ đạo mở các đợt cao điểm ra quân tuần tra, truy quét bảo vệ rừng; đồng thời rà soát, nắm chắc thông tin các đối tượng phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, kiểm tra, xác minh và xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, sắp xếp, kiện toàn, bổ sung duy trì hoạt động các chốt, trạm bảo vệ rừng tại các vị trí, khu vực xung yếu, tuyến giao thông, các khu vực trọng điểm...

Năm 2023, tỉnh Kon Tum đã tổ chức thành công 2 hội nghị quốc tế luân phiên về đánh giá kết quả thực hiện hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum và Sở Nông lâm các tỉnh Attapeu, SeKong, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; phối hợp trong điều tra, xác minh xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp kịp thời, hiệu quả; nhiều vụ án về lĩnh vực lâm nghiệp được điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh đã nâng cao tính răn đe, giáo dục trong cộng đồng, góp phần giảm các vụ vi phạm.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thực hiện chi trả hơn 346 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình tỉnh để thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, góp phần bảo vệ tốt diện tích rừng trong lưu vực và cải thiện đời sống cho người dân.

Cùng với hoạt động quản lý, bảo vệ rừng; nhận thức được trồng rừng đem lại lợi ích lâu dài về kinh tế, bảo vệ đất và giữ nguồn nước tự chảy phục vụ đời sống, người dân ở các thôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy đã và đang tích cực tham gia dự án trồng rừng sản xuất do Nhà nước hỗ trợ. Trong 3 năm 2021-2023, xã Hơ Moong có 111 hộ dân tham gia dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu với tổng diện tích trồng hơn 150 ha.

Riêng thôn Kơ Tu, xã Hơ Moong, năm 2021, sau khi được chính quyền địa phương vận động, người dân tham gia dự án, với tổng diện tích trồng là 3,65 ha, thuộc diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp, xen kẽ giữa rừng tự nhiên, rừng trồng của doanh nghiệp và đất sản xuất của người dân.

Trưởng thôn Kơ Tu A Gai cho biết: "Người dân đều hiểu, nếu không còn rừng sẽ không còn nguồn nước tự chảy, nên mọi người rất tích cực tham gia bảo vệ rừng, chú trọng đến chăm sóc rừng trồng".