Nice là thành phố lớn thứ 5 ở Pháp nằm ở vùng duyên hải trên bờ biển Địa Trung Hải. Được thiên nhiên ưu đãi bởi khí hậu ôn hòa trong lành và bãi biển trải dài, hằng năm Nice thu hút hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Nice còn có Khu công nghệ cao Sofia Antipolis gồm trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và là mô hình thung lũng công nghệ lớn nhất của Pháp. Năm 2021, Tổ chức Unesco đưa Nice vào danh sách Di sản Thế giới.
Nice cũng là một thành phố có mối quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Việt Nam, trong đó có hợp tác y tế và giáo dục với Cần Thơ và Đà Nẵng.
Trong hai ngày 1 và 2/5, Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp do Đại sứ Đinh Toàn Thắng dẫn đầu đã có các cuộc làm việc với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp tại Nice nhằm thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam.
Tại Phòng Thương mại và Công nghiệp (CCI) Nice Côte d'Azur thuộc tỉnh Alpes-Maritimes ở miền đông nam nước Pháp đã diễn ra buổi Tọa đàm thúc đẩy đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và các doanh nghiệp vùng Nice Côte d'Azur. Cuộc tọa đàm không chỉ thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp Pháp tại vùng Nice Côte d'Azur mà còn có sự tham dự của một số đại diện doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện các hoạt động đầu tư-thương mại tại Pháp, trong đó có đại diện của Tập đoàn FPT.
Tọa đàm tại CCI Nice Côte d'Azur lần này là một trong những tọa đàm kinh tế trực tiếp đầu tiên giữa hai bên được thực hiện tiếp nối sau chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021. Mục đích là nhằm đánh thức tiềm năng, tạo thêm các cơ hội hợp tác, kết nối cho doanh nghiệp hai nước tại vùng Nice Côte d'Azur trong các lĩnh vực đầu tư và thương mại.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, trong gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Pháp đã có những bước phát triển tích cực, đa dạng và thực chất trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục..., với nhiều khuôn khổ hợp tác ở tất cả các cấp vùng, thành phố và cộng đồng, góp phần bổ sung và phát huy thế mạnh của hai bên. Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài do vậy các doanh nghiệp Pháp và Việt Nam cần tăng cường hợp tác, như vậy mới tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.
Tại buổi tọa đàm, doanh nghiệp hai nước đã được nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tại Pháp, Thương vụ Việt Nam tại Pháp, Cơ quan Hải quan Pháp cung cấp các thông tin cụ thể và hữu ích về môi trường đầu tư tại Việt Nam, các chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam, cơ hội và tiềm năng cho hoạt động xuất nhập khẩu hai nước, các quy định và lộ trình giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...
Các doanh nghiệp Pháp đã đặt nhiều câu hỏi và chia sẻ những quan tâm, mong muốn tiếp cận thị trường Việt Nam đối với một số dự án về nông nghiệp sạch, các dự án có tính đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp Pháp cũng quan tâm tới khả năng thiết lập hợp tác trong lĩnh vực bệnh viện, dược phẩm, mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe, du lịch...
Doanh nghiệp hai bên đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và niềm tin đối với những cơ hội hợp tác giữa hai nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang dần được kiểm soát, đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, nhất là là những đột phá, mở cửa về thể chế và chính sách.
Trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo địa phương, Đại sứ Đinh Toàn Thắng hoan nghênh hợp tác kết nghĩa giữa Nice với thành phố Cần Thơ trong lĩnh vực y tế và giáo dục, giữa Đại học Sofia Antipolis và Đại học Đà Nẵng. Đại sứ Đinh Toàn Thắng khuyến khích các doanh nghiệp Nice tìm hiểu thông tin hợp tác về y tế, số hóa và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.
Theo ông Philippe Pradal, Phó Thị trưởng TP Nice, tiềm năng hợp tác giữa Nice và Việt Nam rất lớn vì thành phố này may mắn có một cộng đồng người Việt Nam khá đông đảo và chính họ đã tạo nên cầu nối cho mối quan hệ giữa Nice với Việt Nam. Trong thời gian tới, hai bên có thể tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như quy hoạch phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi sinh thái mà Nice có nhiều kinh nghiệm. Hai bên cũng có thể mở rộng hợp tác trên lĩnh vực giáo dục và y tế.
Nice có nhiều kinh nghiệm về gìn giữ và phát huy giá trị về địa lý, văn hóa, du lịch nên thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Ông Olivier-Henri Sambuchi, Chủ tịch Ban Xúc tiến hồ sơ đăng ký di sản thế giới của Nice để đệ trình lên UNESCO, cho rằng có nhiều tiềm năng để hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn di sản, phát triển du lịch. Ông cho rằng ngoài việc kết nối di sản, Nice và Việt Nam có thể hợp tác trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng.
Đánh giá về kết quả làm việc với chính quyền và các doanh nghiệp ở Nice, Đại sứ Đinh Toàn Thắng tin tưởng rằng các cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp của Nice sẽ đặt ra nhiều nền tảng hợp tác với các địa phương cũng như các đối tác Việt Nam trong thời gian tới. Lãnh đạo thành phố và các doanh nghiệp của Nice quan tâm nhiều đến cơ hội và triển vọng hợp tác với Việt Nam, không chỉ trong thương mại, đầu tư mà cả trong lĩnh vực văn hóa, bảo tàng, du lịch và đào tạo.