Thúc đẩy hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản

Chiều 16/12, tại Tokyo, tiếp tục chương trình hoạt động song phương tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản. Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Koizumi Ryuji, Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Takemi Keizo… Tham dự có khoảng 500 đại biểu hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản.

Tại Diễn đàn, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hai nước đã điểm lại chặng đường phát triển hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản; đồng thời cũng nêu bật những tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu, khả năng của mỗi bên; trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, sau 30 năm hợp tác lao động, hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản phát triển trên nhiều lĩnh vực. Năm 2023 số lượng lao động Việt Nam cao nhất từ trước đến nay cả về số lượng người đi hằng năm sang Nhật Bản (dự kiến khoảng 85.000) và số lượng đang làm việc tại Nhật Bản (trên 300.000 người). Việt Nam cũng là nước đứng đầu cả về số lượng sang làm việc hằng năm cũng như tổng số đang làm việc tại Nhật Bản trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.

Thúc đẩy hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản ảnh 1

Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu ý kiến, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, sau 30 năm hợp tác lao động Việt Nam-Nhật Bản, lần đầu tiên có một sự kiện lớn về quy mô và tầm vóc như Diễn đàn này; lần đầu tiên có Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, tầm quan trọng của hợp tác lao động trong bối cảnh hai nước đã nâng tầm lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng tại khu vực châu Á và trên thế giới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người lao động Việt Nam tại Nhật Bản. Lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của các nghiệp đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa của Diễn đàn tổ chức đúng dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đặc biệt sau 50 năm, tình cảm chân thành giữa nhân dân hai nước được nâng lên; độ tin cậy chính trị giữa hai Đảng, Nhà nước được củng cố; thành công là chúng ta đã kết nối trái tim đến trái tim trong giao lưu nhân dân, hợp tác lao động; hy vọng trong 50 năm tới, thành quả này được nhân đôi, nhân ba. Vì vậy, Thủ tướng mong các cơ quan liên quan hai nước tiếp tục phát huy tinh thần này, từ đó chúng ta làm tốt hơn, hiệu quả hơn, nâng cao và thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Thúc đẩy hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi các lao động Việt Nam ở Nhật Bản.

Chúng ta vui mừng vì trong những năm qua, số lao động Việt Nam ở Nhật Bản tăng rất nhanh vì hai nước có tình cảm, mối quan hệ lương duyên khách quan; chúng ta có sự bổ sung cho nhau về nhiều mặt, trong đó có lao động. Sự già hóa dân số của Nhật Bản được bổ sung bằng sự trẻ hóa dân số của Việt Nam. Đây cũng là điểm sáng hợp tác hai nước.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Việt Nam là nước đang phát triển, để thích ứng tốc độ phát triển về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đòi hỏi nguồn nhân lực là rất quan trọng vì con người là tất cả, chính sách cũng vì con người, năng suất lao động cao hay thấp cũng do con người, con người là yếu tố quyết định.

Thúc đẩy hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với các lao động Việt Nam ở Nhật Bản.

Nhân dịp này, Thủ tướng chia sẻ một số suy nghĩ sau: Việt Nam là nước đang phát triển, để thích ứng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, của khoa học kỹ thuật đòi hỏi việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác lao động với Nhật Bản phải có hướng đi thiết thực và phù hợp tình hình thực tế.

Đó là cần hướng tới tuyển dụng và phái cử những lao động có kỹ năng, có trình độ, có khát khao học hỏi để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực ngành nghề Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trong nông nghiệp, xây dựng hệ thống công trình ngầm xử lý nước thải, môi trường đô thị... từ đó, hình thành lực lượng lao động được đào tạo thông qua làm việc thực tế tại Nhật Bản để góp phần phát triển ngành nghề đó tại Việt Nam. Do vậy, cùng với sự sửa đổi chính sách pháp luật của phía Nhật Bản hiện nay về lĩnh vực đào tạo, tiếp nhận lao động nước ngoài, Nhật Bản cần đi đầu trong việc đào tạo nhân lực quốc tế, trong đó có lao động Việt Nam, nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác về nhân lực hiệu quả, bền vững và thực sự “cùng thắng” giữa các bên.

Hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản đã thực hiện từ năm 1992 đến nay. Nhiều lao động Việt Nam đã coi Nhật Bản là quê hương thứ hai của mình, chấp nhận rời xa gia đình, người thân, sang Nhật Bản làm việc với nhiều hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn: có thu nhập cao, có cơ hội học hỏi và nâng cao chất lượng cuộc sống, được sống trong một môi trường hiện đại với bản sắc văn hóa Nhật Bản.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong các cơ quan chức năng của Nhật Bản, phía Việt Nam là Bộ Lao độngThương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho người lao động Việt Nam; giảm thiểu rủi ro phát sinh, sự bất bình đẳng, tạo môi trường thuận lợi, an toàn, thân thiện, hòa hợp văn hóa, để người lao động có thể an tâm học tập, làm việc, tuân thủ pháp luật sở tại, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật tại Nhật Bản.

Đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các Bộ, ngành liên quan phía Việt Nam phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, làm việc tích cực với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản như Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản để khơi thông các điểm nghẽn, giải quyết các bất cập như vấn đề miễn giảm thuế thu nhập, thuế cư trú của người lao động Việt Nam; thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác lao động giữa hai bên, tạo ra nhiều giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Thủ tướng đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng và địa phương Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước; sớm triển khai hình thức du lịch học tập, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng gần 500 nghìn người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, trở thành cầu nối và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, sau Diễn đàn này, đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp hai nước tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác lao động giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển hơn nữa, xứng tầm với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hoà bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới vừa được thiết lập.

Đối với các thực tập sinh, lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng nhắn nhủ, thời gian sinh sống và học tập, làm việc của các bạn tại Nhật Bản sẽ là những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của các bạn. Cha ông ta đã dạy “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng các bạn sẽ tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập được nhiều kiến thức và kỹ năng của một đất nước phát triển, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp; có trách nhiệm với hai đất nước, và đức tính tốt đẹp của con người Nhật Bản để sau này khi trở về Việt Nam, sẽ trở thành những công dân có ích cho xã hội, những doanh nhân, những người lao động có kỹ năng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và củng cố quan hệ hai nước. Người lao động Việt Nam ở Nhật Bản cần thể hiện tinh thần, truyền thống của người Việt Nam là yêu lao động, yêu đất nước, yêu hòa bình; đồng thời, tuân thủ, chấp hành nghiêm luật pháp của Nhật Bản.