Thúc đẩy hợp tác về người di cư

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế người di cư (18/12), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới "làm tất cả có thể" để ngăn chặn thiệt hại về tính mạng đối với người di cư, coi đây là mệnh lệnh nhân đạo, nghĩa vụ đạo đức và pháp lý.
0:00 / 0:00
0:00
Những người di cư. Ảnh: Reuters
Những người di cư. Ảnh: Reuters

Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc dẫn số liệu cho thấy, thế giới hiện có khoảng 280 triệu người phải rời khỏi đất nước để tìm kiếm cơ hội và cuộc sống tốt hơn. Các tuyến di cư không được quản lý nên ngày càng nguy hiểm và khiến người di cư phải trả giá khủng khiếp. Chỉ trong 8 năm qua, có ít nhất 51 nghìn người di cư thiệt mạng và hàng nghìn người mất tích. Ông Guterres nhấn mạnh, phần đông những người di cư một cách an toàn và trật tự đều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và gia tăng hiểu biết.

Chia sẻ nhận định của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Tổng Giám đốc Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Antonio Vitorino (A.Vi-tô-ri-nô) cũng cho rằng, người di cư là nền tảng của sự phát triển và tiến bộ. Lãnh đạo IOM kêu gọi loại bỏ chính trị hóa vấn đề di cư, cũng như quan điểm chia rẽ và thù địch đối với người di cư.

Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Gilbert F.Houngbo (G.Hung-bô) lại nêu bật vấn đề bảo vệ quyền của 169 triệu lao động di cư trên thế giới. Theo lãnh đạo ILO, việc không được bảo đảm các quyền cơ bản khiến người nhập cư dễ bị tổn thương và những đóng góp của họ cho xã hội bị đánh giá thấp. ILO nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế tuyển dụng công bằng, qua đó có thể giúp xóa bỏ nạn buôn người và lao động cưỡng bức.

Trong khi đó, ngày 17/12, lực lượng cứu hộ Pháp đã giải cứu hơn 160 người di cư trên những chiếc thuyền nhỏ tìm cách vượt eo biển Manche đến Anh. Trong năm 2022, tuyến đường này đã ghi nhận kỷ lục hơn 40.000 người di cư từ Pháp sang Anh.