Theo báo cáo hằng năm về xu hướng di cư toàn cầu, do UNHCR công bố ngày 15/6, vào cuối năm 2021, ước tính có 89,3 triệu người trên thế giới phải di cư do bạo lực và xung đột. Cuộc khủng hoảng Ukraine khiến số người di cư lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu người. Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho rằng, nỗ lực giải quyết khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu, vốn chịu tác động từ xung đột Ukraine, đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bùng phát làn sóng di cư nghiêm trọng.
Báo cáo của UNHCR cũng nhấn mạnh đến tình trạng bạo lực và xung đột leo thang tại một số quốc gia, trong đó có Afghanistan. Theo UNHCR, tình trạng khan hiếm thực phẩm ngày càng tăng, lạm phát và suy giảm kinh tế đã gây thêm khó khăn, tạo thêm áp lực cho các chương trình nhân đạo, đe dọa làm suy giảm mức ngân sách vốn hạn hẹp dành để giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, 10 nước thành viên đã chấp thuận tham gia kế hoạch của EU về tái định cư người tị nạn, nhằm giảm áp lực cho 5 quốc gia tuyến đầu tiếp nhận người di cư gồm: Cyprus, Hy Lạp, Malta, Italia và Tây Ban Nha. Số người di cư đến EU bất ngờ tăng mạnh từ đầu năm 2022, trong 5 tháng qua ước tính có hơn 13.600 người di cư đã đến EU qua tuyến phía đông Địa Trung Hải. Số người di cư đến EU dự kiến lên 150.000 người vào cuối năm nay, tăng hơn 100% so với năm 2021.
UNHCR hoan nghênh EU tiếp nhận người di cư từ Ukraine, tuy nhiên kêu gọi EU có các kế hoạch cân bằng đối với việc tiếp nhận người tị nạn từ những nơi có xung đột khác, như Syria hay Afghanistan. Ông Grandi nhấn mạnh cần có cách tiếp cận bình đẳng hơn trong vấn đề người di cư.