Thúc đẩy hợp tác khu vực từ xây dựng niềm tin về thương hiệu quốc gia

NDO - Theo chuyên gia của Education New Zealand, thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp cần phải có sự nhất quán. Chúng ta không thể có một thương hiệu quốc gia mà các doanh nghiệp không sống đúng với tinh thần của thương hiệu quốc gia đó.
Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác khu vực: Câu chuyện từ những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu”.
Tọa đàm “Thúc đẩy hợp tác khu vực: Câu chuyện từ những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu”.

Ngày 15/10, trong khuôn khổ sự kiện The Makeover 2024 do Công ty cổ phần Kết nối nhân tài (Talentnet) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra phiên tọa đàm với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác khu vực: Câu chuyện từ những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu”.

Tại tọa đàm, câu chuyện hợp tác khu vực được khai thác dưới góc nhìn rộng hơn, bắt đầu từ câu chuyện xây dựng thương hiệu quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, một thương hiệu quốc gia nhất quán có thể trở thành tiền đề để thúc đẩy sự hợp tác quốc tế.

Bà Ziena Jalil, chuyên gia tư vấn chính phủ cho các bộ trưởng, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận, thành viên Hội đồng quản trị, cơ quan chính phủ Education New Zealand nhận định, thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp cần phải có sự nhất quán. Chúng ta không thể có một thương hiệu quốc gia mà các doanh nghiệp không sống đúng với tinh thần của thương hiệu quốc gia đó.

Bà cho biết, một chiến lược hàng đầu từ New Zealand đã giúp cho doanh nghiệp có lợi thế lớn khi bước ra thế giới, đó là: “Thế giới có thể chưa biết đến tên thương hiệu doanh nghiệp, nhưng sẽ biết đến thương hiệu quốc gia của chúng tôi”.

Thúc đẩy hợp tác khu vực từ xây dựng niềm tin về thương hiệu quốc gia ảnh 1

Bà Ziena Jalil, chuyên gia tư vấn chính phủ cho các bộ trưởng, doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận, thành viên Hội đồng quản trị, cơ quan chính phủ Education New Zealand chia sẻ tại tọa đàm.

Mở rộng hơn chủ đề này, bà Trần Tuệ Tri - Cố vấn cấp cao, Vietnam Brand Purpose, nguyên Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unilever, quản lý hơn 40 quốc gia chia sẻ: “Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022 (theo Brand Finance). Đây là lợi thế rất lớn đối với sự phát triển của thương hiệu quốc gia”.

Theo tác giả cuốn sách “Thương hiệu Việt Nam - Thời khắc vàng”, mỗi câu chuyện, mỗi tương tác đều tạo nên giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam trên thế giới. Bà nhận định: “Thế mạnh của thương hiệu Việt Nam chính là con người Việt Nam. Điều chúng ta còn thiếu là cách kể câu chuyện quốc gia, con người của chúng ta”.

Để làm được điều đó, bà Trần Tuệ Tri cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp nên chú trọng khía cạnh quan trọng: xây dựng sự thấu hiểu người tiêu dùng quốc tế, và xây dựng đội ngũ nhân tài Việt Nam cả trong và ngoài nước, để giúp thương hiệu quốc gia Việt Nam tương tác, thấu hiểu văn hóa thế giới và mở rộng hợp tác quốc tế.

Ông Trần Quốc Khánh - người sáng lập & Giám đốc điều hành, Vietsuccess, cũng nhận định: “Mỗi doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, đều có thể tác động đến giá trị thương hiệu quốc gia và ngược lại”. Hợp tác khu vực có thể bắt đầu từ việc tạo dựng lòng tin, xây dựng tính nhất quán trong thương hiệu quốc gia để tạo nên đòn bẩy đầu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thế giới.

Diễn ra vào ngày 15-16/10 tại TP Hồ Chí Minh, The Makeover 2024 với chủ đề “Foster Green Dynamics” do Talentnet tổ chức có sự góp mặt của hơn 20 diễn giả là các chiến lược gia đổi mới hàng đầu từ khắp thế giới cùng thảo luận 12 chủ đề đổi mới và phát triển bền vững trong chiến lược quản trị. Sự kiện thu hút hơn 1.000 lượt khách tham dự là các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia nhân sự từ các doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam như Prudential Việt Nam, PNJ, GreenFeed, L'Oreal Việt Nam, Shopee Việt Nam, Masan…